Translate

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

MỪNG SINH NHẬT MUỘN MỘT NGƯỜI BẠN 2


Hôm qua sinh nhật bạn già ,
Bữa nay mới nhớ ...thiệt là vô tâm .
Nghĩ rằng trong cuộc trăm năm ,
Có duyên mới có tình thâm kim bằng .
Chẳng hay ông bạn ra răng ,
Đã lâu không gặp ...vẫn ăn chơi thường .?
Tiếc vì mỗi đứa một phương ,
Đất trời chỉ một mà đường lại hai .
Trách chi biển rộng sông dài ,
Lo chi ngày tháng tương lai còn nhiều .
Chúc cho ông bạn thân yêu ,
Ngày qua ngày ...lại " mỹ miều " hơn xưa .
Hôm nay phố cũ ...trời mưa ,
Quê mình xóa đói ...nhưng chưa ...hết nghèo .
Dân tình còn lắm gieo neo ,
Nên lời chúc muộn ...đành treo ... quà mừng ....

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

ĐÁM CƯỚI CON TRAI MỘT BẠN CHSPCT 6471

                                                   


Vốn là dân làm ăn bán chuyên nghiệp cho nên lịch sinh hoạt hội hè của tôi luôn khác với công nhân viên chức , nghĩa là vào những ngày lễ lạc hàng năm , trong khi thiên hạ ăn chơi thì chúng tôi vẫn phải " chí thú làm ăn ..." Điều này có cái lợi là do được nghỉ ngơi nên tâm lý khách hàng thường có vẻ thoải mái , việc mua bán cũng vui vẻ thêm vào đó mình cũng có cơ hội được ngắm giai nhân tài tử diễu hành qua phố mà không cần mở tivi ...Thế nên cách đây mấy hôm khi nghe vợ tôi bảo : " Anh lo chuẩn bị phong bì mừng cưới con bạn anh kìa ..."  thì ngay tức khắc tôi đã lên kế hoạch  để vợ tôi được nghỉ theo chế độ ...Bà ấy bảo : " Thôi , anh đi một mình cũng được , mình nghỉ hoài mất khách hết ..." Tôi cương quyết : " Không được , mình chỉ nghỉ một buổi chiều thôi , đâu có ảnh hưởng gì , khách quen và các điểm nhận báo tháng thì mình đã lo xong buổi sáng rồi ...vả lại anh cũng muốn cho em " nhận diện và nhận dạng " một số " bạn hàng " mua báo vì có nhiều ông bạn anh bảo rằng họ ghé mua báo quầy mình nhưng em không biết họ là bạn anh , không khéo thất lễ hoặc " chém " lầm thì mang tiếng thị phi . Vợ tôi gật đầu khen phải và trả lời theo đúng tiêu chí " phu xướng phụ tùy  :" :Thôi được , tùy anh thôi ." 
Có lẽ đó cũng là câu trả lời khá đầy đủ về cái lý do trưa hôm nay : "  một buổi trưa đầy sương thu và gió lạnh  vợ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi và dẫn đi ra xe HD hướng về nhà hàng Hải Phố ở số 85 Trần cao Vân "  Câu này  tôi mượn của nhà văn Thanh Tịnh chỉ đổi vài chữ để diễn ý bởi vì tôi không kịp nghĩ ra câu nào hay hơn . 
Tọa lạc tại một khu dân cư đông đúc nên diện tích nhà hàng khá khiêm tốn vì thế nhà hàng phải thuê thêm một khoảnh đất trống gần ga cách địa điểm tổ chức tiệc cưới hơn 50 mét để làm nơi gửi xe ...Khi chúng tôi đến thì hôn trường đã đông khách mặc dù chỉ mới 11 giờ 40 .
Vợ chồng Phước và vợ chồng thông gia vẫn đang đứng ngay cửa để đón khách ...Phước vồn vã : " Rất vui vì cả hai vợ chồng bạn Cao Thông cùng đến ...Bạn bè mình đã đến nhiều rồi , đang ngồi bên trong ..." Tôi giới thiệu với vợ tôi : " Đây là anh Phước , một trong những người bạn học khối 6471 PCT của anh ...Mặc dù chỉ mới gặp lại từ hồi sinh hoạt cựu học sinh mấy năm gần đây nhưng anh rất thích tính anh ấy vì anh ấy luôn vui vẻ và nhiệt tình ..."  Vừa nói chúng tôi vừa di chuyển vào phía trong để nhừơng đường cho các vị khách khác đang bước vào ...Cảm nhận đầu tiên của tôi là không khí bên trong nhà hàng ...Có một điều gì thật ấm áp thân mật ở đây mặc dù tôi chỉ mới đến nhà hàng này lần đầu tiên và điều này khiến tôi ngạc nhiên ...nhưng sau đó tôi đã nhận ra ngay rằng không phải vì hầu hết các bàn đều đã đủ người mà chính là vì sự hiện diện của khoảng 30 bạn thuộc khối 6471 PCT tai đây . Nói như bạn Ân cũng đúng , do sức chứa của hôn trường có hạn nên kế hoạch giới thiệu " khách hàng thân thiết " của tôi đã bị phá sản vì tôi không thể di chuyển và bắt tay từng người ...Chúng tôi đành chỉ chào hỏi sơ rồi lướt đi tìm " chỗ đậu " vì nếu không , e rằng chúng tôi sẽ phải ngồi ghế " súp " ...
Sau khi đã chiếm được một " địa vị "  tại một bàn gần sát vị trí hành lễ để khỏi phải xớ rớ , tôi mới yên tâm đi chào hỏi mấy ông bạn già ...Nhân đây tôi xin được nói lời cám ơn bạn Phước vì đã " tạo điều kiện " để tôi có dịp nhìn thấy  lại những khuôn mặt thân quen cũ ...Nhìn chung thì " nhan sắc " của các bạn tôi đều có phần " mặn mà " hơn thuở còn  học sinh nghĩa là  " mỗi người mỗi vẻ " tuy rằng về kích thước và trọng lượng có chênh lệch nhau nhưng những nụ cười và ánh mắt thì vẫn đầy ắp thân tình ...Điểm sáng chói nhất trong tiệc cưới hôm nay đối với tôi không phải ở chỗ  cỗ cưới khá ngon , có thể nói là hơn hẳn nếu so sánh với nhiều nhà hàng nổi tiếng và bề thế hiện nay ...mà ở chỗ phần biểu diễn văn nghệ giúp vui tiệc cưới ...Tuy tôi không tham gia tiết mục nào nhưng cũng có phần hãnh diện vì lực lượng NCT ( người cao tuổi ) đã ghi các bàn thắng áp đảo so với giới trẻ theo tỉ lệ 7/3 ...Dĩ nhiên cũng không thể không kể đến một bài hát rất thành công và rất chi là phù hợp với không khí tưng bừng của đám cưới do một " cựu ca sĩ " thuộc ban nhạc " Tiếng hát mãi xanh trong vòng chung kết cuộc thi trên truyền hình năm 2014 " vừa qua ...Đó chính là tiếng hát của Trần văn Nghiêm  lớp tôi ...
Để kết thúc bài tường thuật  về đám cưới của con trai bạn Phước hôm nay , tôi xin thành thật xin lỗi các bạn vì rằng với một bộ nhớ trong chỉ vỏn vẹn có 2 megabyte trong đó đã dành hết 1 MB rưỡi để ghi hình "  người chồng đáng yêu " nên vợ tôi đã không kịp ghi nhận hết hình ảnh " những khách hàng tiềm năng " vì thế nếu sau này bạn nào đó bị " lỡ tay chém đẹp " thì xin vui lòng liên hệ trực tiếp với tôi để tôi có thể băng bó và tri ân . Nhân tiện tôi cũng xin đính kèm danh sách các bạn có mặt trong đám cưới hôm nay để các bạn ở xa có thể nhận ra ...Phần điểm danh và ghi hình do bạn Ân thực hiện ...Tôi chỉ chụp một tấm duy nhất khi bạn Phước " tuyên bố khai mạc " vì máy hết pin .


( trích từ FB của bạn Ân )
Trưa nay 15-10 một số bạn thuộc các lớp :
Tứ 1 + B1 : Bửu Hay , Hồ Thái Thạch , Trương Quang Thọ , Trần Phước Thọ , Trần Gia Trung , Lê văn Mỹ , Tạ Rớt , Trần Tiến Sĩ
A1 : Trần Duy Thứ , Nguyễn Quang Hiệu , Lê Trung Chính , Trần Xuân Thu , Trần Đình Khang , Hà Công Nhiệm , Võ Đại Quảng
A2 : Tràn Văn Điểu
B2 : Nguyễn Ngọc Ân , Nguyễn Hữu Châu , Hoàng Dục , Nguyễn Doãn Minh , Trần Kim Thỏa , Nguyễn Văn Tư , Nguyễn Đức Thứ , Nguyễn Chí
B3 ; Phạm Hoàn , Nguyễn Anh Tú
C : Trần Văn Nghiêm , V/ch Trương văn Thông

đã đến dự tiệc cưới cuả con trai Võ Thế Phước , do hôn trường hơi chật chỗ nên tôi không tiện di chuyển được , một số bạn không có đầy đủ trong các ảnh kèm theo . Phần hình ảnh xin các bạn vui lòng xem ở blog PCT hoặc FB của Nguyễn ngọc Ân .

NHỮNG QUẢ NHO ...DỮ DỘI

Tiểu dẫn : Gần đây bận nhiều việc nên tôi không viết gì , sáng nay trong lúc ngồi làm mấy việc linh tinh , tôi táy máy vào FB và đọc được một bài viết của Nancy Nguyễn trên trang của người bạn NDN ...Đã lâu lắm tôi không còn được cảm xúc đến ứa nước mắt khi đọc một bài viết như thế này ...Tôi không có ý kiến gì về giá trị văn chương và ngôn ngữ được dùng trong bài nhưng những tình cảm đơn giản , chân thực và cảm động của môt người trẻ tuổi thuộc thế hệ các con tôi đã khiến tôi xúc động vì thế tôi chép đăng ở đây để các bạn đọc cho vui . Xin lỗi tác giả nếu có gì không phải , ngoài ra tôi cũng xin được chỉnh sửa một vài lỗi chính tả nhỏ , có lẽ do thao tác sai khi đánh máy vi tính ...Cám ơn bạn .

                                                                             

Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quanh năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.

Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy kinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?

Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chỉa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?

Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.

Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.

Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.

Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận.

Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người. Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao cho đủ sống! Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn khổ như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.

Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi. Tết năm đó, chỉ duy nhất tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mĩ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mĩ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh. Trời ơi! Dòn! Mọng! Ngọt! Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái. Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàng toàn mộng mị, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc. Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng.  Vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại ... cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây? Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc nấc nghẹn lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc. 

Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận.  

Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế thệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"!  

Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?

Ps: Viết gần 2 tháng rồi, mình đem vào note để nó được ... đoàn tụ thôi, ai đọc rồi xin bỏ qua cho :)

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

ĐÁM CƯỚI NHÀ QUÊ 2 ( tiếp theo )

                                                   


Trong lúc tôi đang lo sốt vó vì mới vừa đọc được bài báo nói rằng đến năm 2050  đàn ông Việt sẽ bị thừa hàng chục triệu người ...thì hắn đến ...Bấm đốt tay tính thử tôi nhận thấy đến năm ấy tôi mới chỉ vừa tròn đôi chín (99) ...quả là một con số đẹp . Nhưng có lẽ cũng không đẹp bằng cái mặt cau có của hắn  : " Mi làm cái con khỉ gì mà gần cả tháng nay chẳng chịu viết tiếp bài Đám cưới nhà quê 2 , báo hại tau chờ sái cổ ...Sáng nay ra quán uống cà phê tau vớ đại một tờ báo , đọc xong mà tức anh ách ..." 
Tôi cười hòa : " Ừ thì cũng hơi bận một số việc ...Tau cũng vừa đọc báo nhưng đọc rồi lại lo chứ không có gì phải tức ... Mi nói thử chuyện của mi xem có giống chuyện của tau không ? 
Hắn hậm hực ...: " Hai ngày hai vụ em giết anh ruột vì tranh giành đất đai ...Vụ thứ nhất thì hai vợ chồng đứa em giết hai vợ chồng người anh , vụ thứ nhì thì thằng em đâm ông anh ...Thời đại này sao lắm chuyện kinh khủng như vậy không biết nữa ...Con người ngày càng mất đi tính người ...
Tôi an ủi : " Đúng là những chuyện đáng phẫn nộ nhưng dường như ngày nào cũng có , không ở nơi này thì nơi khác ...Có lẽ do dân số ngày càng tăng nên nhu cầu vật chất cũng tăng theo trong khi các hệ thống giáo dục và kinh tế trên thế giới không phát triển kịp để đáp ứng ...Đó là chưa kể đến những khác biệt trong cách suy nghĩ  , nhận thức  và nhiều lý do khác nữa ...Ủa ...nhưng mà mi bắt đầu quan tâm đến chuyện thế sự từ hồi nào vậy .?
Hắn cười : " Quan tâm gì đâu , chẳng qua gần đây có người nhờ tau giữ nhà để họ đi du lịch nên khỏi phải đi xe thồ ...Tiền công họ ứng trước một tháng bởi vậy khỏi phải lo cái cảnh chạy ăn từng bữa nhưng chính vì thế mà tau hơi bị rảnh ...Hôm trước có ghé quầy mi mượn mấy quyển sách về đọc nhưng chữ nhiều mà giấy xấu nên đọc hoài mỏi mắt ...cũng may thằng cháu cho cái điện thoại có wifi để tau nghe nhạc online nên tau hay vào đọc bờ lốc của mi ...Sao gần đây mi ít viết vậy ?
Tôi đáp : " Ừ thì cũng phải lo " dĩ thực vi tiên " chứ ...Tau chỉ viết cho vui chứ việc viết lách có văng ra đồng nào đâu ...Nghề nào nghiệp nấy ...Vả lại cũng tại cái ông wifi của mi đó ...Điện thoại bữa nay rẻ như bèo , nhất là điện thoại tàu ...chỉ chừng hơn một triệu là đã có màn hình cảm ứng , hai sim hai sóng tha hồ mà lướt web , xem phim ...nhiều người còn mua điện thoại cũ chừng mấy trăm cũng đầy đủ chức năng như vậy ...Vì thế tau phải " động cái não " nhiều hơn để giải quyết cái sở hụi chứ cứ ngồi than mây khóc gió thì má nó rầy ..." 
Hắn tỏ vẻ thông cảm : " Đúng rồi ...Tau cũng chỉ nói cho vui vậy thôi chứ đâu có trách gì  ...Tau không vợ không con vậy mà nhiều lúc thấy bơi trong cuộc sống này cũng oải huống hồ là mi ...À mà mi đang lo cái giống chi rứa ? 
Tôi cười : " Nói giỡn thôi chứ có chi mà lo ...Mấy cái thống kê tào lao trên báo ấy mà ...Tau thấy đau đầu với mấy cái thống kê lao động và chuyện cải cách giáo dục hoặc đổi mới sách giáo khoa nên khi đọc báo thấy chuyện dự báo đến năm 2050 thì sẽ thừa  hàng chục triệu đàn ông nếu đem so sánh với số lượng phụ nữ ...tau mới đùa chơi thôi .
Hắn cũng cười : " Tưởng gì chứ chuyện đó thì tau cũng có đọc nhưng không để ý ...Đến chừng đó thì trong danh sách đàn ông làm gì còn tên tụi mình ...Mà nếu có còn thì cũng đã nghỉ hưu toàn diện rồi ...Hi hi ...Tau chỉ thắc mắc là đối với chuyện cải cách giáo dục sao năm nào cũng cứ phải bàn chuyện thi cử ...Tại sao người ta không tổ chức một kỳ thi đơn giản như thi Tú Tài rồi sau đó lấy kết quả xét tuyển vào Đại học , cao đẳng , trung cấp .... Cắt hết các kiểu miễn giảm , ưu tiên ...Chuyện đền ơn trả nghĩa hay hỗ trợ này nọ chỉ nên dành cho lĩnh vực khác hoặc là việc của ban ngành khác chứ đừng lồng vào giáo dục ...Các kỳ thi là chuẩn chung để đánh giá trình độ và khả năng nên phải công bằng và khách quan ...Người học cũng sẽ thấy được thực lực của mình từ đó họ sẽ tự chọn lấy ngành nghề thích hợp trước khi vào đời ... Anh học trường nào ... công , tư , quê , phố gì cũng được kể cả trường hợp anh không đến trường mà chỉ tự học cũng có thể tham gia thi tuyển với tư cách thí sinh tự do ...Tất nhiên cũng sẽ có nhiều anh " lọt vào chung kết " nhờ quay cóp nhưng tỉ lệ ấy không đáng kể ...À mà thôi , chuyện này hình như cũng không ảnh hưởng gì đến tau ...Bản thân tau thì già rồi , con cái lại không có ...Cũng may là còn biết chữ để đọc báo mạng và bờ lốc vậy là cũng quí quá rồi ...Ngừng một chút , hắn tiếp : " Nói tới chuyện bờ lốc mới nhớ ...Mi ráng sắp xếp thời gian để viết tiếp cho tau đọc ...Tau thích cái giọng tưng tửng của mi ...Từng tuổi này rồi nên tau chỉ thích đọc những chuyện vui vui ...Những bài viết khô khan kinh điển và đầy chất hàn lâm tau ngán quá ...Ngày xưa khoái đọc kiếm hiệp còn bây giờ thì mệt rồi ....
Tôi tỏ vẻ cảm kích : " Cám ơn bạn già ...Thật ra mấy chuyện đám cưới thì cũng chẳng có gì để viết cho nhiều ...Tau chỉ muốn trình bày vài nét về sự thay đổi trong văn hóa và đời sống của dân quê ...Mi thấy đó đâu phải chỉ bây giờ mới có mà từ  thời xưa Nguyễn Bính cũng đã từng viết : 
"...Hôm qua em đi tỉnh về 
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều ." 
Thời thế thay đổi , hoàn cảnh kinh tế thay đổi thì cách sống , cách xử sự của con người cũng thay đổi , tau rất thông cảm và thương cho những đứa cháu ở quê ...quanh năm vất vả với đồng ruộng , dành dụm được chút đỉnh nên trong ngày trọng đại nhất của đời mình  cũng muốn chứng tỏ rằng mình chẳng hề thua chị kém em ...Chẳng có ai cấm điều đó ...nhưng điều tau mong mõi nhất chính là cuộc sống chung của đôi vợ chồng sau cái đám cưới ấy sẽ  được hạnh phúc như những lời chúc tụng của bà con bạn bè...Đã có nhiều trường hợp mà chỉ sau khi đám cưới mấy tháng , cô dâu mang cái bụng bầu trở về nhà cha mẹ chờ ngày sinh nở ...Vòng vàng nhẫn cưới đã bị chú rể lột sạch để trả nợ cá độ bóng đá , nợ rượu bia , nợ số đề và cả những món nợ do chính cái đám cưới không kém gì thành phố gây ra ...Trường hợp ngược  lại cũng có nhưng ít bi thảm hơn vì các chú rể nạn nhân chỉ mất vợ và mất của mà thôi còn đối với các cô dâu thì những hệ lụy của các cuộc hôn nhân ấy không dừng lại ở đó mà còn kéo dài đến đời sau vì những đứa trẻ ngay từ lúc sinh ra đã thiếu đi cái điều cần thiết nhất  là tình thương  và sự quan tâm của người cha ...
Hắn đồng tình : " Đúng thế , nhưng có phải vì mi suy nghĩ quá nhiều nên hơi bi quan ...những chuyện ấy đâu phải lúc nào cũng xảy ra đâu ...
-- Không hẳn thế ... trong số những bà con , họ hàng , bạn bè và những người tau biết hiện đã có đến cả chục trường hợp như vậy ...Tôi ngừng lời khi một bà cụ bán vé số đi ngang chìa xấp vé số trên tay mời hai chúng tôi : " Bữa nay ế quá , hai cậu mua dùm tui ít vé ..." 
Hắn vọt miệng : " Dạ không bác ơi , tụi cháu không có số trúng số ..." Rồi quay sang tôi và tiếp khi bà cụ đã thất vọng bỏ đi : " Nhiều lúc thấy cũng phục mấy bà cụ này ...già như vậy rồi mà đi bộ mỗi ngày cả mấy chục  cây số chứ đâu có phải ít ...Tụi mình tới tuổi đó chưa chắc được vậy ...Nhưng cũng chưa đáng nể bằng mấy bà già gánh hàng rong ...
Tôi gật đầu : " Ừ ...Cũng có thể nhờ cách tập thể dục bất đắc dĩ ấy mà họ dẻo dai hơn mình ...có điều tau vẫn lấy làm lạ khi nghĩ đến chuyện bốn năm mươi năm về trước , lúc tụi mình còn nhỏ , nhìn  mẹ mình quang gánh tảo tần để nuôi mình tau vẫn tưởng rằng khi mình lớn lên thì cái hình ảnh đôi quang gánh ấy sẽ chỉ còn trong trí nhớ bởi vì xã hội tiến bộ , xe cộ các loại được  sản xuất ngày càng nhiều ...Vậy mà không hiểu sao mỗi ngày vẫn có thêm vô số người tiếp nối cái truyền thống gánh gồng xưa như trái đất ấy ...có rất nhiều cô bán trái cây , bánh bèo , bột lọc , xôi chè rất trẻ gia nhập đội ngũ buôn gánh bán bưng diễu qua trên phố mỗi ngày ...
Tau nhớ hồi tau viết bài Dáng xưa trong đó có câu : 
" Đôi quang gánh đã oằn vai thiếu phụ .
Buồn chi em ...cùng một kiếp long đong ...."  mới đó mà đã hơn ba chục năm rồi ... Thiếu phụ ấy bây giờ đã trở thành lão phụ và đã sang vai cho những thiếu phụ khác ...Rất tiếc là tau không còn được cái cảm xúc như hồi ấy để viết tiếp bài Dáng xưa 2 ...
Hắn cười : " Thiếu phụ ấy đã trở thành lão phụ thì chàng thanh niên ấy cũng trở thành ông cụ rồi ...còn đâu nữa ...Ha ha ...Thôi tau phải về trông nhà đã ...Thường thường tau chỉ dành nửa tiếng uống cà phê thôi , gặp mi nên kéo dài cả tiếng rồi ...Dù gì cũng phải có trách nhiệm mới được ...
Tôi nói vói theo : " Vậy là xem như tau trả nợ mi bài Đám cưới nhà quê 2 rồi nghe chưa ...Lúc nào rảnh tau sẽ viết tiếp về một đề tài khác ...Đón đọc và cười ủng hộ để " ven sĩ " có hứng mà múa bút ...Hì hì ...

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

CÚP ĐIỆN ...



Sáng nay cúp điện .
Mọi chuyện rối bung .
Đéc tốp ở không . 
Wai fai thất nghiệp ...
Thôi đành vào bếp .
Nấu nước pha trà .
Cất giọng ngâm nga .
Vài câu thơ cũ .
Tự tìm hứng thú . 
Với ánh đèn cầy .
Gẫm chuyện xưa nay . 
Chẳng nên bực bội . 
Sáng nhờ có tối . 
Trắng cũng cần đen . 
Sao phải ưu phiền . 
Thế nhân ô trọc.... Ha ha ...