Translate

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

CHUYỆN ĂN UỐNG ( cảm tác từ 1 bài viết ở blog CHSPCT )


Trích đoạn 1 :
 
Triết lý sống của Chuck Feeney có thể rút gọn trong câu nói sau đây: “Con người ta phải dùng sự giàu có của mình để giúp người khác. Tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường, đó là con đường tôi đã trải qua và trưởng thành. Ngay từ đầu, tôi đã làm việc cật lực nhưng không phải để làm giàu”.

Trích đoạn 2 : 
 
Thời điểm năm 2004, khi Văn phòng Đông Tây Hội Ngộ ở Đà Nẵng gửi ra Huế 30 trẻ em nhờ ông mổ tim. Sau đó một đoàn của Đông Tây Hội Ngộ đến bệnh viện gặp giám đốc bệnh viện để cám ơn. Một người có mặt trong đoàn hôm đó hỏi: “Bây giờ bệnh viện muốn giúp gì không?”. Trả lời: “Khoa Nhi của bệnh viện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải xây mới”. “Cần bao nhiều tiền?”. “Khoảng 1 triệu USD”. “Xây dựng trong bao lâu?”. “Khoảng 2 năm”. Và người đó là tỉ phú Chuck Feeney, ông đồng ý tài trợ và ông rất vừa ý khi dự án Khoa Nhi được xây dựng đúng 2 năm như cam kết trước đó. 

           

Đã một tuần lễ kể từ khi bác Ân nhà mình dọn mấy món " độc hơn thịt vịt " trong cái "phòng vàng " của khối 6471 PCT chúng ta mà vẫn chưa thấy anh em động đũa ...Hôm ấy tôi tình cờ ghé qua , nghe bác Ân mời nên cũng lướt quanh xem thử ...Đúng là : " nghề ăn cũng lắm công phu " ...Người bình dân mình đã xếp " bộ môn ăn " ở vị trí cao nhất trong tứ khoái
quả thật cũng đúng thôi bởi vì nếu không ăn thì làm sao mà sống ...Cơ thể chúng ta luôn phải cần năng lượng để vận hành bởi vậy nếu có ai nói rằng họ không cần ăn thì đúng là nói láo ...Thánh nhân cũng phải ăn mới có sức mà phát biểu những chân lý để đời ...Các nhà khoa học cũng phải ăn mới nghiên cứu phát minh ra được những tiện ích phục vụ nhân loại ...Gia súc , gia cầm phải " ăn " mới lớn để cung cấp thịt , trứng cho loài người " ăn " trứng và thịt của chúng ...Bản trường ca " ĂN " sẽ kéo dài lê thê từ đời này qua đời khác , kỷ nguyên nọ đến kỷ nguyên kia cho đến khi nào loài người chế tạo được một loại thuốc men gì đó mà chỉ cần uống 1 viên là đủ sống cả đời không cần phải "ăn " nữa ...Hiện nay thì chưa , cũng có nhiều người thử thay thế cách ăn bằng cách " uống " nhưng xem ra cách này không mấy hiệu quả vì người " uống  nhiều " thì : " ăn ít " chứ chưa đạt đến cái chuẩn " không ăn " Đôi khi cái " uống " lại rầy rà hơn cái " ăn " nữa nên thôi ... chúng ta cứ tạm chấp nhận chuyện "ăn " như là một chuyện đương nhiên phải vậy , không cần phải bàn cãi lôi thôi gì nữa ...Chuyện cần bàn cãi có thể chỉ  là : " ăn cái gì và ăn như thế nào ? Vậy thôi ...
 Ca dao Việt Nam có câu : " Miếng ăn là miếng tồi tàn , Mất ăn một miếng ,lộn gan lên đầu " Xem ra tầm quan trọng của cái sự " ăn " không phải là nhỏ ...Một câu ca dao chỉ có 14 chữ nhưng chất chứa cả một chân lý vĩnh cửu như thế đã chứng tỏ rằng người bình dân chúng ta có một đầu óc cực kỳ thông minh và  một cái nhìn trào phúng , hóm hỉnh ...Họ vừa miệt thị , vừa ca ngợi cái chuyện ăn ...Tất nhiên không phải vô duyên vô cớ mà họ có cảm hứng để sáng tác ra câu ca dao ấy , tiếc là tôi không có tư liệu gì về xuất xứ , nguyên lai của nó ...Nếu nói gần hơn một chút thì tôi có thể dẫn chứng được chẳng hạn như thi sỉ Tản Đà ...Hồi còn  học phổ thông tôi rất thích  những bài thơ  hay của tác giả này như bài " Tống biệt " bài " Thăm mả cũ bên đường " bài " Thề non nước " Giọng thơ ông nhẹ nhàng , hóm hỉnh mà chua chát , khinh bạc mà rất trữ tình ...Nhưng ở đây tôi không nói về thơ ...bởi vì nó không liên quan đến cái chuyện " Ăn " mà tôi đang viết ...Tôi chỉ nhớ một câu nói thú vị như sau : " Đồ ăn ngon , chỗ ngồi ăn không ngon , không ngon . Đồ ăn ngon , chỗ ngồi ăn ngon , không được người cùng ăn cho ngon , không ngon ..."
Trở lại với câu chuyện tôi đang nói , tôi thú thật khi đọc bài viết mà bạn Ân đã post lên hôm ấy thì gần như tức khắc tôi liên tưởng đến câu nói của cụ Tản Đà , sau đó mới đến những chuyện liên quan đến cái " ăn " mà tôi đã từng được đọc hay nghe kể chẳng hạn như : " nỗi ám ảnh về cái ăn " trong " Tình yêu cuộc sống " của Jack London hoặc những yến tiệc  thời Từ Hi Thái Hậu với những bàn ăn có đến 108 món ...Ăn , ăn , ăn ...Trời ơi là trời ...tại sao ông Trời lại bắt con người phải " ăn " ,,,Chính vì " ăn " mà con người mới sa vào tội ác ...Ông Adam cũng chỉ vì " ăn trái cấm " nên mới khiến con người rơi vào cảnh luân hồi nghìn kiếp chẳng siêu sinh ..
..


Bài đọc thêm : VĂN HOÁ VÀ VĂN MINH

 Thứ 4, 08/2/2012, 13:35  Nguồn : Website Vinacam .
 

Tiết kiệm như... tỷ phú - Bài 3: Tỷ phú không nhà

Vị tỷ phú không nhà Chuck Feeney
Chuck Feeny có lẽ là nhà tỷ phú duy nhất không có nhà mà cũng không có xe hơi. Ông dùng một cặp kính đọc sách giá 9 đôla và đeo đồng hồ giá 15 đôla. Khi được hỏi tại sao không mua một chiếc đồng hồ đắt tiền hơn, ông nói: “Nếu với 15 đôla tôi có thể có được một cái đồng hồ hoạt động tốt với pin có tuổi thọ 5 năm, vậy thì tôi cần một chiếc Rolex để làm gì?”.
 


Chuck Feeny là một người Mỹ gốc Ireland sinh ngày 23/4/1931 tại Elizabeth, bang New Jersey, Mỹ. Bố ông là một công nhân còn mẹ là y tá. Feeney lớn lên trong một khu dân cư dành cho tầng lớp công nhân. Thời trẻ, Feeney kiếm tiền bằng đủ mọi việc, như đi gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên các đường lái xe vào nhà, nhặt bóng trên sân golf. Có lẽ chính cuộc sống khó khăn hồi nhỏ đã làm nên một Feeney thích kiếm tiền trong thử thách nhưng lại không muốn chi tiêu quá nhiều cho bản thân.

Bắt con đi làm... bồi bàn

Sau khi phục vụ trong quân ngũ, làm người trực tổng đài cho Không lực Mỹ tại Nhật trong Chiến tranh Triều Tiên, Chuck Feeny tốt nghiệp Đại học Cornell và cùng với người bạn học Robert Miller tạo dựng sự nghiệp cùng bằng việc bán rượu miễn thuế cho lính thuỷ Mỹ ở các cảng trên Địa Trung Hải trong những năm 1950.

Nhân cơ hội du lịch bùng nổ sau chiến tranh, họ dựng lên thương hiệu cửa hàng miễn thuế (DFS) ở các cửa khẩu và trở thành hệ thống bán lẻ rượu, thuốc lá và những mặt hàng xa xỉ phẩm số một thế giới. Doanh số của DFS hiện đạt 3 tỉ USD/năm.
Chuck Feeney thường nói ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó. Quan niệm sống này ông đã cố gắng truyền lại cho 5 người con từ lúc chúng còn bé. Mặc dù có tiền, ông vẫn làm việc miệt mài và không muốn con ông trở thành “những đứa con nhà giàu hư hỏng”. Ông yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè.
Chuck Feeney luôn tranh thủ mua quần áo khi giảm giá, dùng bao nylon đựng giấy thay cho cặp da đi làm. Ông thích mua kính ở cửa hiệu bình thường hơn là các nhãn hàng thời trang. Đồng hồ ông đang đeo là một chiếc dây nhựa với giá rẻ bèo 15 đô la. Và tất nhiên ông không bao giờ màng đến việc đi máy bay hạng ghế cao cấp.
Feeney thậm chí không có cả nhà và xe riêng! Ông từng có 6 căn hộ sang trọng ở Côte d’Azur (Pháp), Mayfair và đại lộ Park (New York). Ông đã bán tất cả và giờ đây ông thuê lại một căn hộ nhỏ chỉ có hai phòng ở San Francisco để sống cùng với Helga, người vợ thứ hai. Ông từng nói với bạn bè rằng tại sao người ta cần đến hơn một đôi giày.
Khi đến New York, ông ăn tối bằng cách mua gà rán ở vỉa hè. “Ăn ngon ư? Tại sao lại phải vào một nhà hàng và trả 100 đô la cho một bữa ăn tối trong khi tôi cũng nhận được sự phục vụ như thế với giá 25 đô la”. Hay “Thật luôn khó cho tôi khi cố hiểu tại sao người ta cần đến ngôi nhà 3.000 m2 hoặc khi có ai đó chở tôi trong chiếc Cadillac sáu cửa, bởi ghế của nó có khác gì ghế trong taxi đâu”, Feeney trả lời trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với tờ Business Week.
Hàng tỷ đô la để làm gì?
Qua nhiều năm, tài sản của Chuck Feeney cứ lớn dần lên. Nhưng thay vì hưởng thụ ông lại tặng hàng tỉ đô la thông qua các hoạt động từ thiện trong suốt 20 năm qua mà không một ai biết. Kể cả các tạp chí kinh tế chỉ biết ông có hàng tỉ USD nhưng lại không biết ông đã chuyển hầu hết tài sản cho quỹ từ thiện của mình, chỉ giữ lại 1 triệu đô la để nuôi dưỡng 5 đứa con, 4 gái và 1 trai.
Năm 1982, ông thành lập quỹ bác ái Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies, gọi tắt là A.P) đặt trụ sở ở Bermuda để khỏi phải khai báo với nhà chức trách Mỹ. Ông làm việc này để che giấu tài sản và các hoạt động từ thiện của mình. Ông giao cho Harley P.Dale, một giáo sư luật, làm giám đốc điều hành mọi hoạt động từ thiện của ông. Những khoản tài trợ được chuyển qua séc giấu nguồn gốc. Hầu hết những người được hưởng không bao giờ biết tên ân nhân của mình.
Và giờ khi đã ở tuổi ngoài 70, Feeney mong muốn Tổ chức từ thiện của mình sẽ dùng nốt số tiền còn lại làm từ thiện trong khi ông vẫn còn sống. Ông thích dùng một câu tục ngữ của người Xentơ để nói về sự cấp thiết này: “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm”. 
Nếu như bạn có thể bắt gặp vô số bài báo viết về hoạt động từ thiện của vợ chồng Bill Gates hoặc Warren Buffett thì gần như chẳng ai biết gì về Feeney. Không có vụ kiện cáo với Robert W. Miller khi bán cổ phần trong DFS, sự hào phóng, lòng nhân ái của ông mãi mãi không ai biết đến. Bất đắc dĩ trước tòa, ông phải tiết lộ các hoạt động từ thiện của mình.
Trong tâm trí của nhiều người, Chuck Feeney thực sự là một “vị thánh” thời hiện đại. Nhà báo Conor O΄Clery đánh giá trong cuốn sách “The Billionaire Who Wasn΄t: How Chuck Feeney Secretly Made and Gave Away a Fortune” (tạm dịch Tỉ phú không tiền: Chuck Feeney đã bí mật kiếm và cho của cải đi như thế nào) rằng, Feeney có lẽ là một trong những nhà hảo tâm vĩ đại nhất trong lịch sử của nước Mỹ.
Quỹ từ thiện của ông đã tài trợ cho vô số dự án trong có chương trình tài trợ bệnh xá AIDS ở châu Phi, nghiên cứu ung thư tại Úc, chỉnh hình biến dạng mặt trẻ em tại Philippines hoặc chương trình giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em Việt Nam (Atlantic Philanthropies chính là nơi tài trợ một dự án thực hiện nước sạch ở Đà Nẵng, dự án xây dựng bệnh viện ở Huế…).
Thời điểm năm 2004, khi Văn phòng Đông Tây Hội Ngộ ở Đà Nẵng gửi ra Huế 30 trẻ em nhờ ông mổ tim. Sau đó một đoàn của Đông Tây Hội Ngộ đến bệnh viện gặp giám đốc bệnh viện để cám ơn. Một người có mặt trong đoàn hôm đó hỏi: “Bây giờ bệnh viện muốn giúp gì không?”. Trả lời: “Khoa Nhi của bệnh viện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải xây mới”. “Cần bao nhiều tiền?”. “Khoảng 1 triệu USD”. “Xây dựng trong bao lâu?”. “Khoảng 2 năm”. Và người đó là tỉ phú Chuck Feeney, ông đồng ý tài trợ và ông rất vừa ý khi dự án Khoa Nhi được xây dựng đúng 2 năm như cam kết trước đó.
“Các công trình tiếp theo như Trung tâm Tim mạch với số tiền hơn 10 triệu USD, Trung tâm Đào tạo... đều do tỉ phú Chuck Feeney và tổ chức Atlantic Philanthrophies tài trợ với những câu hỏi và hình thức giữ chữ tín tương tự”, Giám đốc bệnh viên Bệnh viện TƯ Huế hồi tưởng.
Triết lý sống của Chuck Feeney có thể rút gọn trong câu nói sau đây: “Con người ta phải dùng sự giàu có của mình để giúp người khác. Tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường, đó là con đường tôi đã trải qua và trưởng thành. Ngay từ đầu, tôi đã làm việc cật lực nhưng không phải để làm giàu”.
HUYỀN ĐINH
(Báo NNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét