Translate

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

VÀI SUY NGHĨ VỀ LẦN GHÉ THĂM ĐẠI LỘC


                                     
                                                    
Chỉ mới 4 ngày sau chuyến tôi ghé thăm Đại Lộc để dự đám cưới đứa cháu thì Đại Lộc đã phải hứng chịu một cơn lũ quét do ảnh hưởng cơn bão số 8 . Theo thông tin từ các báo thì huyện Đại Lộc là huyện chịu thiệt hại nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam trong trận bão lũ này ...chính vì thế dù chưa kịp viết bài viết về những hình ảnh minh họa trong bài trước nhưng tôi cũng xin lỗi các bạn là không thể bổ sung thêm cho bài ấy  mà sẽ ghi thêm vài cảm tưởng của mình về miền đất này kèm theo những hình ảnh mới nhất mà tôi đã xem từ các báo để các bạn có thể hình dung .
 Trong trí tưởng tượng của tôi ngày còn nhỏ thì Đại Lộc là tên của một vùng đất trù phú và mầu mỡ nên dù chưa đến Đại Lộc lần nào nhưng tôi vẫn nghĩ rằng  huyện Đại Lộc giàu có hơn huyện Điện Bàn nói chung và Gò Nổi quê tôi nói riêng . Điều đó cũng dễ hiểu vì khi cái tên thị trấn Ái Nghĩa đã trở nên phổ biến trong tâm trí mọi người dân xứ Quảng thì quê tôi vẫn chưa có cái gì có thể gây ấn tượng đối với mọi người ...Tiếp giáp với huyện Duy Xuyên và cùng có một đặc sản là nghề dệt tơ bóng , trồng dâu , nuôi tằm nhưng dường như cái tên Duy Xuyên , Trà Kiệu có vẻ nổi tiếng hơn ...Tôi không định viết về quê tôi trong bài này mà chỉ  nhắc đến vì khi ghé thăm Đại Lộc thì thoáng nhìn đầu tiên của tôi là một cái nhìn có vẻ so sánh ...Tôi có cảm giác như Đại Lộc còn nghèo hơn quê tôi hiện nay ...Tất nhiên tôi hoàn toàn không có ý thiên vị hay cục bộ mà chỉ muốn nói lên một nhận xét khách quan ...Có thể trước đây , danh từ Đại Lộc theo nghĩa đen trong từ Hán Việt  có liên quan đến các từ phước lộc , bổng lộc , tài lộc nên đã kích thích trí tưởng tượng đối với đầu óc trẻ thơ của tôi ...còn bây giờ với đôi mắt luôn chứa đựng ánh nhìn phân tích , phán đoán của kẻ trưởng thành tôi chỉ căn cứ vào hiện trạng ...
Dọc theo quốc lộ 14B kéo dài gần như xuyên suốt huyện Đại Lộc , tôi có thể tìm gặp rất nhiều cảnh đẹp , đồng ruộng , cầu đường , đồi núi , rừng cây và thỉnh thoảng còn có những công trình xây dựng rất lớn như đoạn đường hướng về hầm Hải Vân , đường Quốc lộ 14 hướng về Thạnh Mỹ với chất lượng khá tốt ...Huyện Đại Lộc còn được biết đến với một số khu du lịch nổi tiếng như Suối Mơ , khe Tân , khe Lim , thác Bò ...Một số khu dân cư nằm 2 bên đường khá khang trang với trường học , chợ búa , chùa chiền ...thỉnh thoảng còn có những nhà lầu bốn năm tầng với lối kiến trúc khá hiện đại ...Thế nhưng tôi vẫn có cảm giác nó không giống như trong suy nghĩ của tôi ...Tôi nhớ hôm ấy vợ tôi có nói với tôi : " Em cảm thấy  Đại Lộc không nhộn nhịp như quê anh ...Tại sao vậy anh ? " 
Tôi trả lời : " Thực ra trước đây Đại Lộc trù phú hơn quê anh rất nhiều , đất đai ở đây rộng và mầu mỡ hơn ...Quê anh nằm trên một nhánh sông Thu Bồn , còn Đại Lộc có dòng sông nổi tiếng đã đi vào thơ ca , văn học ...Đó là sông Vu Gia ...em đã nghe tên này chưa ? 
Vợ tôi tỏ vẻ hiểu biết : " Rồi ... em đọc báo , xem tivi rất hay nghe người ta nhắc đến tên sông Vu Gia nhưng bây giờ mới biết nó chảy qua huyện Đại Lộc ..."
Tôi tiếp : " Anh suy nghĩ mãi nhưng không hiểu sao Đại Lộc có vẻ như phát triển chậm hơn nếu so với quê anh ...nên cuối cùng anh đành tạm giải thích như thế này , không biết có đúng không : Anh cho rằng nguyên nhân chủ yếu là nhờ  quê anh nằm gần đường Quốc lộ 1 mà quốc lộ 1 lại là trục đường liên tỉnh huyết mạch từ Bắc chí Nam chính vì thế việc giao thông và giao thương thuận tiện hơn nhiều so với huyện Đại Lộc vốn chỉ có quốc lộ 14B . Quốc lộ 14B là đường giao thông nội tỉnh giao với quốc lộ 14 tại ngã ba đi Thạnh Mỹ hướng về các huyện miền núi và Tây Nguyên . Tuy quốc lộ 14 có chạy  ra đến Quảng Trị và vào đến Bình Phước nhưng địa hình là vùng đồi núi nên lưu lượng khách vãng lai không nhiều . Phần lớn cư dân huyện Đại Lộc lại làm nghề nông , mà nghề nông lại là nghề vất vả và chịu nhiều rủi ro , thua thiệt nhất ....Đó là chưa kể đến thiên tai , hạn hán , lũ lụt ...năm nào cũng có ...Anh đã từng trải qua những ngày tháng ấy với nội nên anh hiểu rõ không dễ gì để vượt qua cái nghèo ..." 
-- " Sao em thấy anh chị C. cũng ở quê nhưng bây giờ lại rất khá giả , còn khá hơn cả mình ở thành phố nữa ..."
Tôi đáp : " Tất nhiên nơi nào cũng có những người giàu có nhưng đó chỉ là thiểu số , còn  phần lớn dân quê mình rất nghèo , họ không lo đói như người thành phố  vì có sẵn sắn khoai , rau trái do chính họ trồng trọt nhưng bù lại đồng tiền lại khó kiếm hơn ...Vả lại như vợ chồng anh chị C. tuy ở quê nhưng từ trước đến bây giờ đâu có làm nông , vợ chồng con cái đều là công nhân viên chức , thu nhập ổn định mà giá sinh hoạt lại rẻ hơn thành phố nên dễ sống hơn ...còn mình thì mang tiếng ở thành phố nhưng " gạo chợ nước sông " chi phí sinh hoạt đắt đỏ , khéo thu vén lắm thì mới đủ nên việc tích lũy để xây dựng một cơ ngơi như thế không phải là đơn giản ...Nhưng em đừng quên rằng ngày hôm nay trời nắng ráo nên đường sá dễ đi chứ đến mùa lũ lụt thì chắc cũng vất vả chẳng kém ở quê anh đâu ." 
Quả thật khi trả lời vợ tôi , tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm lúc tôi còn ở quê tôi  chứ thực sự tôi cũng không hình dung hết cảnh lũ lụt ở Đại Lộc ...Những hình ảnh về cơn lũ lịch sử năm 1964 ở quê tôi vẫn còn ghi đậm dấu ấn trong đầu óc tôi và kéo dài như một cơn ác mộng  ...Con đường  ngập ngụa bùn lầy và xác súc vật chết trôi ...dòng sông thì đục ngầu và đầy rác , gỗ , củi trôi từ thượng nguồn xuống , những con chó chạy loanh quanh trên các đám bèo trôi ngang giữa sông , những nóc nhà tranh tả tơi sau lũ ....Cơn ác mộng ấy còn rõ nét hơn khi  nước vừa rút đi thì cũng chính là lúc chúng tôi phải lo mai táng ông nội tôi mặc dù ông mất không phải vì lũ mà vì một cơn bạo bệnh ...Tuổi già sức yếu lại còn phải cố gắng chống chọi  với thời tiết khắc nghiệt đã khiến ông vĩnh viễn không thể gượng dậy được nữa ...Giờ đây quê tôi tuy đã thay đổi rất nhiều về mọi mặt , kinh tế cũng khá hơn xưa rất nhiều nhưng bão lụt thì năm nào cũng có ...Sự thiệt hại do bão lũ phần nào cũng được hạn chế nhờ việc mở mang đường sá , việc nâng cấp các công trình xây dựng và nhà cửa thế nhưng mối ẩn họa tiềm tàng từ  thiên tai vẫn luôn còn đó ...và có thể sẽ còn lâu lắm mới khắc phục nổi .
                                                   


  









4 nhận xét:

  1. Thời còn trẻ, mình đã về Đại lộc nhiều lân, Hai lần đi chơi suối Mơ, chỗ đó cũng tạm được, rất tiếc không được đầu tư, ngược lại còn phá hoại, lần đầu đi thì cây cối nhiều, lần sau đi thì cảm thấy trơ trụi. Hoi Đại Lộc có gì ngon thì mình chịu. Mình đã theo 1 thằng bạn đến vùng công giáo xa lắc lơ thăm một cha xứ, sau đó, hình như ông đã đổi về ĐN.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng . Mỗi lần tôi về quê là mấy đứa nhỏ nhà tôi cứ bảo : " Ba ơi nhớ mua bê thui Cầu Móng nghe ba , chính những đặc sản như bê thui , dưa hấu vào mùa dưa đã hình thành những nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền ...Hôm chúng tôi đi Đại Lộc con tôi hỏi Đại Lộc có gì đặc biệt ba nhớ mua về nghe . Thú thật tôi biết Đại Lộc trước đây có món bánh tráng nổi tiếng khắp cả nước nhưng tiếc rằng bây giờ bánh tráng mua ở đâu cũng có nên không lẽ mua bánh tráng . Các loại hàng nông sản nông sản bây giờ tràn ngập thị trường ...Ngay đến bê thui thì ở ĐN cũng không thiếu nhưng dù sao cũng không thể thay thế được bê thui Cầu Móng . Nói đến đặc sản thì dường như nó còn chứa chất cái hồn quê nữa phải không bạn ?

      Xóa
  2. Hai chử "Đại Lộc" nghe trông giống giống câu "rừng vàng biển bạc" quá , bác nhỉ?
    Nhựt bổn dạy dân của họ: Nước ta vừa kinh quan chiến tranh...cần phải cố gắng...và họ đã trở thành siêu cường kinh tế...;còn VN thì: Rừng vàng biển bạc...cho nên từ rừng phòng hộ đến rừng đặc dụng đều lần lượt bị mất nên thường xuyên xảy ra lũ; mà cái cơn lũ quét bay cái bản gì ở Tây bắc mới oái ăm...thay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất tiếc những điều Tuyến nói thuộc tầm vĩ mô , còn tôi thì lại chỉ quan tâm đến phần vi mô ...và cũng chỉ muốn ghi lại vài hình ảnh mình thoáng gặp chứ không có thời gian đi sâu vào chi tiết nên không dám lạm bình . Cám ơn Tuyến . Chúc bạn an vui .

      Xóa