Translate

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

MỘT THOÁNG NHỚ VỀ TẾT XƯA . ( Trần cảnh Thuận )

                                                               
                                                           


Tiểu dẫn : Đây là một email mà bạn TCT đã gởi cho tôi cách đây hơn nửa tháng nhưng mãi đến hôm nay tôi mới đọc được vì không hề thấy Gmail thông báo có thư mới ...Được bạn Thuận đồng ý nên tôi post lên đây để các bạn đọc thêm , như một lời tâm sự của một người con xa xứ luôn hướng lòng về đất mẹ thân yêu . Thành thật cám ơn bạn Thuận .

Thông ơi,
Cảm ơn những vần thơ bạn viết tặng đăng trên bờ lốc của bạn. Bánh ít đi thì bánh quy lại, để thay cho lời chúc tết đầu năm, tôi thân gởi đến bạn bài viết "Một thoáng nhớ về Tết xưa" để đọc cho vui và một vài video clips ngắn mà tôi đã thâu trong dịp vui xuân tại nhà ở xứ người. Hope you'll enjoy it.

-----------------------------------------------------------
Một thoáng nhớ về Tết xưa


Chỉ còn vài tuần nữa là Tết Giáp Ngọ. Charlotte năm nay thời tiết thật lạ, mưa nhiều và có những ngày trời chỉ se lạnh làm tôi nhớ đến cái tiết trời mưa phùn bay bay lành lạnh trên thành phố Đà Nẵng ngày xưa vào những ngày cận tết. Tết có lẽ vui nhất là những ngày giáp tết, từ giữa tháng chạp vào những ngày nắng ráo, mẹ tôi phơi vài rổ hành kiệu ớt tươi xen lẫn cà rốt đu đủ củ cải tỉa đủ hình dạng, gần ngày tết  mẹ bỏ các vật liệu vào vài cái thẩu và chế nước mắm đường vào để làm dưa món. Ba tôi và đám con trai sơn lại những cánh cửa sổ, cửa lớn, chùi và đánh bóng những bộ lư đồng và chân đèn, lau chùi quét dọn bàn thờ. Ba thuê người quét vôi lại toàn bộ căn nhà. Vườn nhà tôi ba đã trồng đủ loại hoa, vạn thọ, cúc, thượt dược, hồng, v.v… những cây mai được tướt hết lá khoảng hơn 1 tháng trước tết để canh cho nở hoa đúng vào ngày mồng một tết. Rạng sáng ngày 23 tháng chạp mẹ tất bật đi chợ sắm lễ để ba tôi cúng đưa Ông Táo về trời. Mâm cơm cúng ông Táo được đặt dưới bếp và năm nào cũng phải có món cá chép kho. Sáng 29 tết cả nhà lại nhộn nhịp chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét, mẹ lo ngâm nếp, ngâm đậu xanh đãi vỏ, thịt heo ba rọi được mẹ thái từng lát dày và ướp với tiêu, hành, muối. Tôi thường phụ ba tôi gói bánh và nấu bánh. Tiết trời cuối năm có những đêm rất lạnh, ngồi bên bếp than hồng suốt đêm để châm thêm củi nấu bánh là một cái thú, nhất là bên cạnh có người bạn gái cùng tôi canh nồi bánh chưng, ôi làm sao mà quên được!  Ngoài ra ba mẹ còn làm đủ loại bánh và mứt. Ba đặt những khuôn gổ để đúc bánh dẻo, bánh đậu xanh, mẹ thì làm đủ loại mứt như mứt gừng, mức dừa, mứt bí đao, mứt khoai, v.v… rồi đến màn làm bánh tổ, bánh thuẩn, bánh ít nhân đậu.

Anh em chúng tôi thế nào cũng được me sắm cho ít nhất một bộ đồ mới để đón xuân. Bắt đầu từ sáng ngày mồng một chúng tôi súng xính trong bộ đồ mới chuẩn bị chúc tết ba mẹ, sau đó đi đến nhà ông bà và họ hàng để chúc tết và nhận tiền “lì xì”, đây là dịp để tôi kiếm tiền xài lai rai cho đến ra giêng. Có một vài truyền thuyết khác nhau về phong tục “lì xì” ngày tết, tôi đọc được một truyền thuyết là lạ xin trích đăng để các bạn đọc cho vui:
Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thế nào? Chúng tôi lân la "tầm nguyên" qua các nhà nghiên cứu, hỏi trực tiếp bằng miệng có, giở sách vở các vị có, thấy giải thích hai chữ "lì xì" tựu trung là "tiền mừng tuổi".
Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Theo một số người thì tục mừng tuổi vẫn cứ nên giữ. Nhà nghiên cứu Thông Hội bảo: "Đó là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới, đẹp như cổ tích". Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, cứ nên lì xì "miễn là đừng lì xì tiền đô cho trẻ, không đúng chỗ, mà tập hư cho chúng ăn xài". Nhà nghiên cứu Cao Sơn giải thích: - Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.
Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy... hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết "thơm thảo" với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có... chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để "làm quà" mừng tuổi như chuyện dưới đây.
Xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: Phước - Lộc - Thọ. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì, Lộc là gì, Thọ là gì... Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách "lì xì" bằng chữ để ba đứa "Phước Lộc Thọ" đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát.  
Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta quên những điều tốt đẹp, những ban phát ngọt ngào, rộng lượng mà mình đã làm ở tiền kiếp, vì vậy một mực thâu góp vàng ngọc về riêng mình, trong kiếp này, bỏ vào chiếc hũ, đem chôn ở một vị trí bí mật trong nhà không cho ai hay. Ngay cả con trai của ông cũng không được biết nơi cất giấu. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được "sống" lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Hễ người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con: "Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?". "Dạ thưa không". "Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Ấy là vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên". Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Bị rung động vì việc này, người con tỉnh ngộ, từ chối sở hữu số vàng, rời nhà theo vị đại sư lên núi, về sau trở thành một trong những vị tổ đầu tiên của lịch sử Thiền tông. Vị này tỉnh ngộ rằng: nếu làm phước, được phước mà thiếu huệ tức trí huệ sẽ trở nên nguy hiểm ngu si như con chó kia vậy. Được phước, thiếu huệ, thì như nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ đau, thiếu thốn, phiền bực. Kể xong, vị thần bảo: "Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem". Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa.
Để trang hoàng nhà cửa và để đón Xuân phong tục treo "câu đối " được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Ngày nay đa số “câu đối” được viết bằng chữ Quốc Ngữ, hai câu đối Tết sau, xuất hiện nhiều trong văn chương nên được nhiều người biết đến:

"Tân niên hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai"

Tết cũng là đề tài cho nhiều văn nhân, thi sĩ. Khi tôi còn là một cậu học sinh tiểu học, thầy bắt phải học thuộc lòng bài thơ “Ông Đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên:

" Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn khơng thắm
Mực động trong nghiêng sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?"
VÐL

Tết, và các tục lệ còn được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam:

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè

Tôi vẫn còn nhớ như in hồi còn nhỏ những lần theo nội về quê ở Điện Bàn, Quảng Nam ăn tết, căn nhà thờ gia tộc năm nào cũng cho dựng một cây nêu bằng cây tre cao thật là cao. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 m, ở ngọn thường được treo và trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa. Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà, ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu". 

Cây nêu
  

Cây nêu ngày Tết ở nông thôn Việt Nam.
Ôi! thời gian như bóng câu qua cửa, nhưng kỷ niệm đã khắc sâu vào ký ức không bao giờ phai nhòa, biết nói bao nhiêu cho đủ để quên đi nỗi nhớ hương vị quê nhà trong ba ngày tết… thôi thì chỉ biết viết lại đôi dòng để nhắc lại chút ít chuyện xưa. Xin thân chúc tất cả các bằng hữu của tôi cùng quý quyến một năm mới sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, đầm ấm và hạnh phúc.
TCT
Charlotte,  Xuân Giáp Ngọ
Ghi chú:  Những phần chữ nghiêng được tìm thấy trên internet, không rỏ tên tác giả.

Regards,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét