Translate

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

CHUYỆN CÔ Q.


Không biết có phải do ảnh hưởng những sự kiện xảy ra gần đây mà tôi lại bắt đầu câu chuyện dài này bằng một câu chuyện không  vui  .Đó là câu chuyện về một cô giáo trẻ , nói chính xác là cô giáo dạy cấp 2 ở một ngôi trường khá quen thuộc với nhiều anh em chúng ta .Tôi còn nhớ có người bạn đã nói rằng người Việt chúng ta thường viết về những chuyện đời , những chuyện tình trái ngang , éo le , dang dở ngược lại người phương Tây có vẻ lạc quan hơn ..
.Họ nhìn nửa ly nước họ chỉ nghĩ đó là nửa ly nước đầy chứ không nghĩ rằng đó là nửa ly nước đã cạn ...Thực tình mà nói thì tôi cũng thích cách nghĩ này thế nhưng sự đời thường không chìu ý con người , nghĩ là một chuyện mà thực tế lại là chuyện khác vả lại người phương Tây có nhiều điểm khác biệt hẳn đối với người Á đông ...Sự khác biệt này tôi không nói thì các bạn cũng đã biết :Nó bao gồm tính cách , thể chất , phong tục tập quán và nhất là hoàn cảnh xã hội .Tục ngữ có câu : " Ở bầu thì tròn , ở ống thì dài " Nỗ lực của con người chỉ có thể thay đổi phần nào số phận để giúp chúng ta có một cuộc sống dễ chịu hơn chứ không thể thay đổi được luật tuần hoàn của vũ trụ ...Chính vì thế mà các tôn giáo vẫn có chỗ đứng nhất định trong đời sống tinh thần của con người ...nhất là người Việt .

                                                                 1 


Buổi họp lớp hôm ấy kết thúc bằng việc bầu BCH hội phụ huynh học sinh ...Nhờ vào kinh nghiệm thêm một chút phán đoán chính xác và hình như còn có lợi thế về tuổi tác  nên tôi đã nghiễm nhiên trở thành Hội trưởng ...Dĩ nhiên cái chức không lương và không phận này chẳng là gì cả ...nhiều người còn sợ là vì nó có thể tạo thêm những sự bận rộn không cần thiết cho cuộc đời vốn đã quá bận rộn của họ ...những buổi họp , những lời phát biểu không thú vị bằng những phút ngủ gà ngủ gật khi nghe người khác phát biểu cơ mà . Nhưng tôi thì khác , tôi có một lý do chính đáng và tôi muốn được hưởng " phép lợi thế " trong niên khoá này ...Tôi muốn tiếp cận cô giáo chủ nhiệm ....Nói đến đây chắc nhiều bạn sẽ nghĩ thầm :" Lại thế nữa , hoá ra lão đã " tia " cô giáo rồi ư ? Nếu nghĩ thế thì các bạn đã nhầm rồi ...Dẫu chẳng phải học trò ruột của Khổng tử và cũng chưa bao giờ được phong tặng danh hiệu là " chính nhân quân tử " nhưng tôi cũng biết cái giới hạn giữa một cô giáo trẻ đẹp với một vị phụ huynh học sinh ...lại nữa sau bao nhiêu năm " lăn lộn với tình trường " gồm đủ thể loại tình : tình thật , tình hư , tình thiệt , tình giả , tình cho không biếu không ...đến bây giờ tôi đã thấm mệt ...nhưng có thể nói lý do cơ bản nhất đó là tôi đã có được một mái gia đình ấm cúng ...Vợ chồng con cái chúng tôi thương yêu nhau , tôn trọng nhau nên tôi không bao giờ có thể làm một việc gì sai quấy để đánh mất sự tôn trọng đó trong suy nghĩ của vợ con tôi ...Nhất là đứa con út , đang học lớp do cô Q. làm chủ nhiệm ...

 Vào thời điểm ấy phần lớn các thầy cô đều có dạy thêm ở nhà ...Tôi vốn không có tài hô phong hoán vũ , biến giấy thành tiền nên đành áp dụng đối sách " xa luân chiến " nghĩa là trong ba đứa con ,cứ đứa nào gần đến năm thi cuối cấp thì tôi mới tăng cường đầu tư cho nó học thêm một vài môn chính để nó có được sự tự tin cần thiết khi bước vào đấu trường ...Riêng đối với cậu út nhà tôi trong năm này tôi lại càng chú ý hơn ...Dù gì cháu cũng là con trai ... ( Nói thế không phải vì tôi trọng nam khinh nữ mà chỉ vì trong xã hội hiện tại nếu con trai mà trình độ thấp thì khó kiếm việc hơn con gái .. .)
Chắc các bạn đã hiểu cái động cơ của việc tìm cách tiếp cận cô giáo của tôi và sẵn lòng lắng nghe , thấu hiểu ...Chỉ có cách ấy tôi mới có dịp họp hành , bàn bạc nêu ra những ý kiến , kinh nghiệm của mình trong việc quản lý ...và phối hợp với nhà trường trong việc " dạy tốt , học tốt " ...một cách có chất lượng chứ còn khệ nệ lễ vật đến nhà thầy cô thì không khéo tôi sẽ làm hỏng đi tương lai con mình với những con số giả trong học bạ và phiếu liên lạc ....

 Những chuyện đại loại như vậy vốn là đề tài khá sôi nổi ở mấy quán cà phê vỉa hè và phần lớn những lời phát biểu thường không mấy hay ho bởi vì người phát ngôn là những anh xe thồ , xích lô vốn đã ấm ức do các khoản tiền phải đóng hằng năm không có tính cân đối với " mức bình quân thu nhập " hàng ngày của họ  . Dĩ nhiên những điều họ nói không phải là vô căn cứ ...nhưng không thể vì sự tha hoá , kém phẩm chất của một số giáo viên mà lại đánh giá một cái nghề cao quý như " Nghề thầy" 
  Xã hội sở dĩ tiến bộ , văn minh được như ngày nay chính là nhờ con đường học vấn ...Câu chữ " Nhất tự vi sư , bán tự vi sư " hoặc bình dân hơn : " không thầy đố mầy làm nên " luôn đúng với mọi thời đại ...Những bác sỉ , kỹ sư , nhà khoa học và ngay đến các nhà lãnh đạo trên thế giới đều phải bước qua ngưỡng cửa học đường ...Cùng với đà tiến của khoa học và công nghệ , ngành giáo dục cũng dần được thương mại hoá nhằm đem lại sự phục vụ tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ nhưng từ trong bản chất của ngành nghề này cũng như ngành y tế ,theo tôi nghĩ , nó phải gắn liền với các tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức ...
Điều đáng tiếc là sự thăng trầm của nghề thầy , người thầy cũng có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh xã hội và kinh tế ...Thầy cô cũng chỉ là con người nên cũng chịu sự chi phối của miếng cơm manh áo như mọi người khác ...Không ai trách các thầy , các cô dạy thêm vì đó là cách duy nhất cải thiện cuộc sống mà không ảnh hưởng tới cái nhìn của học trò về mình ...Thử tưởng tượng một giáo viên đi bưng cà phê , đi bán hàng rong , hay đi hát ở phòng trà để tăng thu nhập ta sẽ thấy những điều này thật khó coi ...
Tôi không dám tự cho mình là có suy nghĩ thoáng nhưng tôi hiểu rằng với tính thiếu ổn định của các kỳ thi chuyển cấp , tốt nghiệp và đại học , cao đẳng hằng năm các thầy cô không còn cách nào khác để trang bị thêm cho học sinh một ít kiến thức nhằm đối phó với các cách thi , kiểu thi luôn thay đổi ...Nhưng dĩ nhiên sự đồng tình của tôi trong vấn đề này cũng có những điều kiện nhất định ...Cô giáo chủ nhiệm của con tôi là một trong những giáo viên tôi tôn trọng và cảm mến vì đã đạt được những điều kiện này ...
Q. là một giáo viên giỏi , có kiến thức khá vững về môn cô giảng dạy lại thêm nhiệt tình ,năng động và có tâm huyết với nghề  ...Cũng như nhiều giáo viên khác Q. có dạy thêm bởi vì môn Toán vốn là môn chủ lực trong mọi kỳ thi , nhưng lúc bấy giờ vợ chồng Q.chưa có nhà riêng nên phải dạy tại nhà mẹ ruột Q. ở một con hẻm nhỏ đường Y. Hai vợ chồng Q đã có  hai đứa con : một trai , một gái ...Đứa con gái đầu học cùng lớp với con tôi , đứa con trai thì nhỏ hơn vài tuổi . Gia đình họ sống khá hạnh phúc ...Sau giờ dạy ở trường  và giờ dạy thêm Q. đảm nhận vai trò một người nội trợ tốt   biết thu vén , tiện tặn nên vợ chồng họ đã mua được một miếng đất nhỏ ở vùng ngoại thành để chuẩn bị làm nhà ...Với những chi tiết rất bình thường ấy tôi nghĩ các bạn cũng đã có thể hình dung được nhân vật đầu tiên của câu chuyện này . Đó có vẻ là một hình mẫu lý tưởng của nhiều bạn trẻ hiện nay , nhất là đối với các bạn trẻ đang chọn ngành sư phạm . Thế mà ....


                                              2


" Thy ngẩng lên nhìn tôi . Ánh mắt nàng dịu dàng chờ đợi . ..Tôi run lên ....Có phải tình yêu đã mở lời bằng thứ ngôn ngữ đặc thù của nó , truyền đạt bằng trực giác ...Bên ngoài cửa sổ là những màu xanh : của bầu trời ,của lá . " Ngày mai tôi đi ..." Câu chuyện bây giờ sẽ là lời mở cho những tình tự về sau chăng .?..Không , tôi không tin ...Không , tôi không thể ...Hình như chỉ là một chút tin yêu mà ngờ vực , một chút ngượng ngùng và lo sợ ...Mẩu giấy trong túi áo tôi vẫn là lời nhắc nhở lặng thầm rằng ...Mọi sự rồi sẽ kết thúc , đột ngột như khi bắt đầu . Và tôi không nên để lòng mình lưu luyến , vướng bận ...Tôi ấp úng : " Mình ...đi dạo một chút ,được không ?

-- Cũng được ...anh đợi Thy một chút ...
Mấy phút sau chúng tôi đã lững thững trên đường ...Con đường quốc lộ tối và sâu hun hút , thỉnh thoảng vài chuyến xe về muộn pha đèn sáng quắc , sau khi lướt qua  chúng trả lại chjo chúng tôi bóng tối và sự im lặng . Chỉ còn ánh sao trên bầu trời đêm tháng bảy .
--" Nếu hồi ấy anh đi Sư Phạm thì mọi chuyện lại khác , phải không ?
-- " Ừ ...nhưng tướng anh lấc xấc quá đâu có hợp với ngành sư phạm ...
-- " Anh nghĩ vậy thôi , lúc còn trẻ ai mà chẳng vậy ...Em nghe anh em nói ở trường Đại Học Sư Phạm người ta rèn dữ lắm ...Chỉ riêng về  tác phong nhà giáo mà năm nào cũng có kiểm tra và thử thách ...
Tôi tán đồng : " Thì điều đó cần thiết thôi , nếu không thì làm sao làm gương cho học trò được ...mà thôi ...Nói làm gì chuyện đã rồi ...Ngày mai anh trở lại Sài gòn ... rồi ... Không biết bao giờ mới gặp lại ... Em còn điều gì muốn nói với anh không ?
 Thy tỉnh bơ : " Có gì đâu , à có chứ ,chúc anh thượng lộ bình an ..." rồi nàng phá lên cười . Tôi ngẩn ngơ : " Con gái quả thực là khó hiểu . Tôi cứ hình dung ra những cảnh chia tay đầm đìa nước mắt hoặc ít ra cũng thật thi vị giống như trên phim  vậy mà sự thực lại không như thế ...Hay là ...nàng chưa và chẳng hề yêu tôi ...
 Ký ức con người quả thực kỳ lạ ...Có những điều ta tưởng đã quên đi , những hình ảnh , những tên gọi đã bị xoá hẳn trong trí nhớ của mình vậy mà đến một lúc nào đó chỉ cần một tác động nhỏ của ngoại cảnh là tất cả lại hiện về rõ mồn một ...
Giọng nói Q, rõ ràng và đầy sức sống khi giảng bài cho học sinh  trong lúc tôi và một giáo viên khác đang ngồi dự giờ đã khơi gợi lại trong tôi những cảm xúc kỳ diệu ...Không khí lúc đầu có vẻ hơi căng thẳng và thiếu tự nhiên vì sự có mặt của chúng tôi nhưng chỉ một lúc sau Q. đã trấn tĩnh được  và dường như khi cô ấy càng lúc càng thản nhiên thì tôi lại trở nên mất tự chủ . Tôi bị cuốn vào tiết học như một cậu học trò già ...Những kỷ niệm của từng đoạn đời trong dĩ vãng chợt quay về ...Chiếc áo dài màu tím hoa cà và cách đưa tay khi cầm que chỉ bảng sao giống như cô KC dạy môn Vạn Vật học hồi tôi học đệ tam , ánh mắt trong sáng và ngầm chứa nụ cười lại có vẻ như Thy mỗi lần tình cờ gặp tôi trên đường hồi chúng tôi mới quen nhau ...
Mặc cho người giáo viên ngồi bên cạnh tôi im lặng ghi ghi chép chép vào một tờ phiếu đầy các cột mục , có lẽ để chấm điểm và báo cáo cho BGH nhà trường  tôi cứ thả hồn lạc vào khu rừng kỷ niệm nguyên sơ với những bước đi dò dẫm ...
Ở dãy bàn phía bên kia con tôi vẫn chăm chú nghe giảng , có lẽ nó chẳng bao giờ hiểu được rằng ba nó đang ngồi trong lớp với " một hồn đầy sóng gió " ...Những tháng ngày lưu lạc , những nỗi đau thể xác dường như chỉ là những ảo ảnh của một cơn ác mộng kéo dài ...tôi tưởng chừng như mình vừa mới dán mẩu giấy ghi câu thơcủa Nguyên Sa vào lưng chiếc áo lạnh của Tâm Nguyên : " Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc " và nghe cả tiếng cười khúc khích , tinh nghịch của nàng khi ném trả tôi câu trả lời : " Quần anh xanh em mến dãy Sơn Trà " ...
Đã có một sự lệch lạc nào đó xảy ra trong cuộc đời này , trong cuộc đời mỗi người chúng tôi và mọi sự điều chỉnh bây giờ đều trở nên lố bịch và khiên cưỡng bởi vì thời gian không dừng lại ...
                                                3

Cách đây không lâu tôi đã nghe rất nhiều người tranh cãi về cuốn sách của một bà Tàu ở bên Tây . Hình như tên bà ta là Amy Chua thì phải , bà ta còn được đặt tên là bà mẹ Hổ ...Tôi vốn không đủ rảnh để tham gia vào những cuộc tranh luận vô bổ này nhưng qua những điều tôi được biết thì tôi không thích  dạy con theo cái kiểu điên khùng này ...Tôi vốn thích kiểu giáo dục nhẹ nhàng mà hiệu quả của phương Tây hơn ... Mọi sự áp đặt vô lý sẽ khiến chúng ta biến đứa con thành phương tiện của   cái tham vọng và tính hiếu thắng của chúng ta ...Đạt thành tích cao nhất trong một kỳ thi để làm gì nếu chúng ta biến nó thành nạn nhân của chúng ta ...Đàn piano chỉ là cây đàn vô tri và sẽ có bao nhiêu cái lỗ tai biết thưởng thức ngón đàn tuyệt diệu của người đàn . Kẻ sỉ có thể chết vì tri âm nhưng đó là một chọn lựa tự nguyện và họ có đủ trí khôn , tuổi đời để tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình . ..còn đứa trẻ ?: Những đứa con của chúng ta thì khác ...Đưa nó vào trường học để cho nó học được tính kỷ luật .? Đúng , đó là việc cần thiết ...Nhà trường sẽ cung cấp cho chúng những kiến thức mà cha mẹ không đủ khả năng hoặc thời gian để trang bị ? Việc này cũng đương nhiên rồi ...Vậy thì việc còn lại của cha mẹ là gì ? Ngoài việc nuôi ăn , đóng học phí , sắm phương tiện đi lại cho chúng , săn sóc khi chúng ốm đau ...tôi nghĩ người làm cha mẹ nên dành một số thời gian theo dõi từng bước phát triển của chúng để kịp thời điều chỉnh những sai lạc ...chứ không phải uốn chúng trong cái khung do mình tạo ra ....Hãy hợp tác  với thầy cô là những người chịu trách nhiệm cung cấp kiến thức cho chúng . ... Khi cho con đi học thì chính tôi cũng phải học , có khi còn học nhiều môn hơn chúng nữa ...Và nhờ có cùng học tôi mới hiểu được thứ ngôn ngữ chúng nói vốn được cập nhật thường xuyên , hiểu được nỗi lo sợ của chúng , những áp lực đè nặng lên chúng mỗi kỳ thi ...Nhờ có cùng học nên tôi mới có thể giải thích những câu hỏi hóc búa mà thỉnh thoảng chúng hỏi ...Chúng xem tôi như thầy , như bạn nên sẵn sàng tâm sự ngay đến chuyện tình cảm riêng tư ...

Vậy mà sáng hôm nay , lúc tôi vừa đẩy cửa bước vào nhà tôi đã giật mình khi nghe đứa con trai nói với các chị nó : " Chắc từ nay em không dám kể những chuyện ở trường với ba nữa ..." Con bé lớn hỏi : " Sao vậy em ? " Nó đáp : " Từ hồi ba làm Hội Trưởng hội PHHS đến nay có nhiều chuyện ba đề nghị với cô em thấy rất tốt nên lớp có vẻ  tiến bộ nhưng mới đây có một chuyện  em kể với ba ...ba lại nói với cô ...khiến cho mấy đứa cười nhạo em hoài ...Chúng bảo em nhiều chuyện ..." Con bé hỏi : " Chuyện gì vậy ? " Chưa kịp trả lời nhưng thấy tôi nó chợt im bặt . Tôi kéo ghế ngồi xuống và nhẹ nhàng : " Ừ , chuyện gì vậy con ? Con cứ thẳng thắn , nếu ba sai ba hứa từ nay ba sẽ sửa ..."
Biết không thể từ chối nên nó trả lời : " Ba còn nhớ bữa trước con nói với ba về chuyện con bé Giang và bé Diễm không ...Dạo trước mấy đứa học cũng được nhưng sau đó không hiểu sao chúng hay nghỉ học , kết quả học tập giảm sút thấy rõ ...Nghe mấy đứa bảo tụi nó chán đời , có lúc đòi tự tử , có lúc muốn rủ nhau bỏ nhà đi bụi ...con tưởng kể cho ba nghe ba biết thôi ai ngờ ba lại bàn bạc sao đó với cô Q. sau đó cô Q.
dành cả buổi nghỉ dạy thêm để đến nhà từng đứa , nói chuyện với tụi nó và cha mẹ tụi nó ...
Tôi hỏi : --" Kết quả thế nào ?
-- " Hình như cũng tốt , cha mẹ tụi nó nói với cô là họ không biết chuyện gì cả vì họ bận buôn bán làm ăn cả ngày ...Bây giờ có vẻ tốt hơn rồi vì con thấy cha mẹ tụi nó đưa đi đón về mỗi ngày ...Giang và Diễm cũng có vẻ vui vẻ hơn trước , nhưng tốt cho tụi nó mà không tốt cho con ..." Nó nhăn nhó .
-- " Tại sao vậy ?
-- " Thằng Nguyên và thằng Hùng nói với nhau rằng con lẻo mép , nhiều chuyện ...
Tôi bật cười : " Ồ tưởng ai , hai đứa ấy thì ba biết ...cô Q. bảo ba là mấy đứa đó học yếu , lại lười nữa ...Cô có hỏi ba có cách nào giúp đỡ chúng không . Mấy đứa ấy ở xóm Cô Bắc phải không ?
-- Dạ ...
-- Thôi được rồi ...Mấy chị em ngồi đây nghe ba kể một chuyện ngụ ngôn
Nhớ chú ý để còn làm bài kiểm tra nữa nghe ...Tôi cười và tiếp :
 -- " Ngày xưa , ở trong quê mình có một bác nông dân ...Bác làm lụng rất vất vả mới để dành đủ tiền mua được một căn nhà mới ...Nhiều người đến thăm chơi đều khen ngợi bác rồi ra về , không ai nói gì . Chỉ có một người sau khi dạo quanh nhà bác mới nói với chủ nhà : " Ông nên dời  nhà chứa củi ra xa nhà bếp một chút ..." Bác nông dân có vẻ phật ý nhưng không nói gì .
Một đêm nọ vợ người nông dân  nấu bếp sơ ý làm gian bếp bốc cháy , sẵn có củi khô trong nhà chứa củi nên ngọn lửa càng lúc càng lớn .Cũng may hàng xóm láng giềng chạy đến phụ giúp chữa cháy nên gian nhà chính chỉ hư hại nhẹ  . Bác nông dân bèn mở tiệc mời tất cả những người có mặt chữa cháy hôm đó để tạ ơn . Có người biết chuyện mới nói với bác nông dân rằng : " Tại sao ông không mời người đã khuyên ông nên dời nhà chứa củi ...Chính ông ấy mới là người có công nhất và nếu ông nghe lời ông ấy thì vụ  cháy này có thể đã không xảy ra lớn như vậy .." ( Cổ học tinh hoa )
Các con có hiểu ba muốn nói điều gì không ? Rất nhiều chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại trở thành chuyện lớn , các con đọc báo cũng thấy nhiều vụ trẻ em mới lớp bảy mà cũng đã tự tử vì buồn chuyện gia đình , vì những suy nghĩ vớ vẩn nhưng không được ai quan tâm ...Nhiều gia đình nông thôn để mặc cho các em mới 10, 11 tuổi chèo thuyền nghịch nước rồi chết đuối ...
 Ba hiểu rằng khi con nghe những lời chế nhạo của thằng Nguyên , thằng Hùng con rất khó chịu nhưng con cứ thử tưởng tượng nếu con không nói , ba không nói , cô Q. không đến thăm hỏi , an ủi các cháu Giang , Diễm
 và gia đình thì không chừng chuyện sẽ xảy ra tồi tệ hơn ...Lúc ấy thì chúng ta không chỉ khó chịu mà còn ân hận nữa ...Đúng không ?
Chuyện tuy nhỏ nhưng con phải học cách đối diện sự thật và biết phân biệt đúng sai . Những lời châm chọc rồi sẽ qua nhưng kết quả việc làm đúng của con sẽ còn mãi ... Vai trò của ba và con trong việc này chỉ là phụ , người đáng quý trọng chính là cô Q. Cô đã đánh giá sự việc đúng mức và đã khôn khéo thuyết phục các cháu ấy cùng gia đình để tránh được những điều đáng tiếc . 
  

 4


Có những bài thơ viết chẳng xong ,
Thả trôi theo nước , nước theo dòng .
Vì thương hoa rụng khi vừa nở .
Bến sắc tan hòa với biển không


Tôi không thể kể hết những gì Q. đã làm , đã nói khi đến với cuộc đời này bởi vì đó không phải là những việc to tát đến nỗi người ta phải tuyên dương trên báo chí , trên đài truyền hình ...Báo chí thường thích khai thác những hình ảnh và kể cả những xì căng đan  của người nổi tiếng vì có như thế thì mới có thể nuôi sống từ người biên tập đến chị bán báo dạo hàng ngày và đài truyền hình thì phải ưu tiên cho các nàng ca sỉ , diễn viên ,người mẫu và các cuộc thi hoa hậu ... mới đủ sức thu hút khán giả..

Còn Q. ?  Những việc Q. làm cũng nhỏ bé như chính cuộc đời và những ước mơ của cô ấy ...Khiêm tốn , giản dị mà lại đầy tình nhân ái Q. đã xem những đứa học trò như chính con mình nhưng liệu rằng những người học trò bây giờ đã lớn ,có còn ai nhớ đến Q. nữa không ?
Năm năm đã trôi qua nhưng cái cảm giác ngậm ngùi trong tôi vẫn chưa phai hẳn vì thế cứ mỗi khi có một việc gì đó có cùng tính chất và cường độ thì tôi lại liên tưởng đến sự ra đi bất ngờ , vội vã của Q. Những lời Q. nói vẫn như vang vọng đâu đây nhưng cái dáng xinh xinh và khuôn mặt nhân hậu của cô ấy đã không còn thuộc về thế giới này nữa :
--" Anh nên cố gắng tạo điều kiện cho nó , em thấy cậu bé con anh có một lối tư duy toán học mà trong lớp không đứa nào có được ...Tiếc là em chỉ dạy nó có một năm ...Em sợ rồi nó sẽ cùn mòn , mai một đi thì thật đáng tiếc ..."
Nếu tôi có thể trả lời Q. thì tôi chỉ có thể nói với cô ấy rằng điều cô ấy lo sợ đã trở thành sự thật bởi vì tôi không đủ can đảm hướng con tôi vào một lĩnh vực mà tôi cho rằng mình không đủ sức theo đuổi tới cùng ...Tôi đã tư vấn cho nó chọn một ngành học dễ kiếm việc làm hơn vì nó phù hợp với xu thế chung của thời đại ... Hy vọng nó sẽ không phụ lòng kỳ vọng của Q.
-- " Ba ơi ! Con thấy thương cô quá , con nhớ hôm cô mới làm nhà xong cô đãi tụi con bánh kẹo ...Con nghe cô nói với chồng cô rằng : " Em cảm thấy tự hào và mãn nguyện vì cuối cùng vợ chồng mình cũng thực hiện được mơ ước lớn của đời mình là có một mái nhà ...Nỗ lực làm việc và tiết kiệm của mình cũng không uổng phí anh nhỉ ! "
  Vậy mà ..."
Tôi ôm con vỗ về nhưng chính lòng mình lại dậy lên một nỗi xót xa khó hiểu ...Nếu có Thượng đế , tại sao Ngài lại cho phép những việc này xảy ra ...Tôi đã nghe người ta nói các bệnh nhân ung thư thường trải qua những giờ phút cực kỳ đau đớn ...Nhất là bệnh ung thư xương ...
Đứa em ruột Q. kể lại trong nước mắt : " Tội nghiệp chị ấy , mấy ngày cuối bác sỉ chích mỗi ngày hai mũi cực mạnh  nên chị ấy có vẻ bớt đau ....nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi ...Nhà mới làm xong chưa đầy hai tháng ...Con bé đầu mới đậu lớp 10 chớ mấy ...Từ lúc phát hiện bệnh đến lúc chị ấy mất cũng chưa đầy hai tháng ...Mấy đứa cháu em từ nay mồ côi mẹ rồi ..." .
Tôi rùng mình ...Tôi không bi quan đến nỗi nhìn nơi đâu cũng thấy toàn cảnh khổ ...Nhưng quả thực tôi đã phải chứng kiến một khổ cảnh của trần gian này và cảm thấy mình vô cùng bất lực . Mỗi cuộc chia tay  đều có nỗi đau riêng  nhất là những cuộc chia ly vĩnh viễn ...
Trăng bên ngoài vẫn sáng nhưng trong lòng chúng tôi là bóng tối ...." Chúa đã bỏ loài người , Phật đã bỏ loài người ..." Và Q, cô ấy cũng rời bỏ tất cả chúng tôi . ..
 Có lẽ câu chuyện tiếp theo của nàng Sê hê ra zát thời hiện đại sẽ là một câu chuyện vui hơn bởi vì câu chuyện không vui để mở đầu đã kết thúc .
Chỉ khác với chuyện nghìn lẻ một đêm ở chỗ tất cả những chi tiết của câu chuyện này là có thực và đó không phải là chuyện của một ông vua với nàng con gái quan tể tướng mà là chuyện của những con người  bình thường ...rất bình thường .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét