Translate

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

NGHĨ VỀ GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI

        

                                                          

Hồi còn đi học tôi vốn không ghiền môn Hoá học bởi thế cứ mỗi lần phải làm những phép tính cân bằng phương trình phản ứng là đầu óc tôi rối lên ...Thế mà hôm nay đọc một bài viết trong đó có những câu trả lời của một nhà hoá học đạt giải Nobel năm 1996 tôi lại rất thích ...có lẽ vì câu trả lời không liên quan đến chuyện cân bằng phản ứng mà nó liên quan đến những vấn nạn trên toàn thế giới trong thời đại chúng ta ...Tết nhất gần tới nên tôi khá bận rộn vì thế thời gian dành cho blog chỉ là những khoảng thời gian tranh thủ ...vì thế tôi chép bài này để các bạn đọc thêm ...đặc biệt là các bạn đã , đang hoặc sẽ làm thầy ...Hy vọng các bạn sẽ rút ra được một điều gì đó có ích chăng ...

 Cần những hệ thống giáo dục tách biệt với giáo điều

Giáo sư Kroto - Ảnh: Bạch Dương

Chủ nhân Nobel Hóa học 1996 Harold Kroto trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân dịp đến Hà Nội dự chuỗi sự kiện Cầu nối - đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình.

Xin ông cho biết những thông điệp sẽ chia sẻ tại VN trong chuyến đi này?
Tôi sẽ chia sẻ với các bạn những suy nghĩ về 3 vấn đề. Thứ nhất, làm thế nào để giải quyết các vấn nạn đang tồn tại trên thế giới? Để tồn tại, tất cả phải phối hợp với nhau trong hòa bình.
Thứ hai, hiện nay khái niệm khoa học đang bị hiểu lầm. Khoa học không chỉ là kiến thức học ở trường  lớp, không chỉ là việc áp dụng kiến thức. Khoa học cũng không phải là cách phát hiện ra các kiến thức. Khoa học chính là cách suy nghĩ. Nếu có cách nghĩ khoa học, chúng ta sẽ biết điều mình nghe là đúng hay sai. Trẻ em cần được chỉ bảo cách suy nghĩ và cách phân biệt những điều mà chúng tiếp nhận. Điều này rất quan trọng.
Thứ ba, đó là các nước phát triển có thể đạt được mức độ phát triển như hiện nay vì họ đã được “khai sáng” trong quá khứ. Ở các quốc gia đó, người dân có quyền đặt ra những câu hỏi. Nếu con người trong xã hội không thể đặt câu hỏi, không thể hiện nghi ngờ của mình thì cuộc sống, văn hóa và tri thức của xã hội không thể tiến bộ. Điều quan trọng là chúng ta phải dạy cho thế hệ trẻ cách đặt ra câu hỏi, cách hoài nghi với những kiến thức mà chúng được dạy dỗ. Quyết định đúng đắn chỉ có được từ cách tư duy logic.
Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm hòa bình mà ông định trình bày? Theo ông, trong bối cảnh có nhiều căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương thì khu vực cần hòa bình như thế nào?
Hiện tại có những quốc gia có chính sách thể hiện vai trò hàng đầu, vai trò lãnh đạo. Thực tế là điều đó không tốt cho một môi trường toàn cầu nơi chúng ta có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Như tôi đã nói, liên kết và hợp tác là cách thức duy nhất giúp chúng ta tồn tại. Thế giới cũng như cơ thể con người. Điều gì gây nguy hiểm cho cánh tay thì cũng gây nguy hiểm cho cả cơ thể. Thế giới ngày nay là một hệ thống đóng và chúng ta phải cộng tác với nhau để giải quyết các vấn đề. Nếu chỉ có một nhóm luôn luôn quyết định cho mọi vấn đề thì sớm muộn toàn bộ hệ thống sẽ bị phá vỡ. Tôi rất lo lắng về thực tế, ngày nay thế giới của chúng ta là một thế giới “kinh tế”. Sự kết nối chặt chẽ về kinh tế cũng dẫn đến những ảnh hưởng chính trị. Khi những quyền lực lớn đóng vai trò ra quyết định thì mỗi quyết định có lợi nhất lại không có lợi cho toàn bộ.
Theo ông, bằng cách nào giáo dục có thể là nền tảng cho hòa bình?
Theo tôi, trong quá trình giáo dục, chúng ta cần khuyến khích giới trẻ có thái độ nhân đạo và suy nghĩ cẩn trọng về cách thức hành động khi đảm nhận các vị trí có trách nhiệm. Chúng ta cần những hệ thống giáo dục tách biệt với giáo điều. Nhưng thế giới lại đang được cai trị bởi những con người mà nền tảng của họ dựa trên giáo điều thay vì tư duy lý trí. Chúng ta thấy hầu hết các cuộc xung đột hiện tại đều có liên quan đến vấn đề tôn giáo. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tách biệt giáo điều tôn giáo và chính trị khỏi giáo dục. Nhưng tôi không biết điều đó sẽ được thực hiện như thế nào. Vì chính trị và tôn giáo có quá nhiều quyền lực.
Theo ông đâu là những yếu tố căn bản cần phải có cho một nền giáo dục hiện đại?
Theo quan điểm của tôi, giáo dục là sự tự do suy nghĩ. Giáo dục là thái độ của tư duy. Giáo dục cần làm cho trẻ em được tự do suy nghĩ thay vì ép buộc chúng đến những nơi chúng ta muốn. Trẻ em cũng cần được giáo dục về sự nhân đạo. Đó là những bài học đầu tiên quan trọng giúp chúng nhận thức sự quan trọng của việc chung sống, hợp tác. Quốc gia nào mà chính quyền hạn chế những điều mà công dân của họ có thể làm, quốc gia đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.

GS Harold Kroto sinh năm 1939 tại Anh, đang công tác tại ĐH bang Florida (Mỹ). Ông nhận giải Nobel năm 1996 cho phát hiện về hợp chất carbon mang tên fullerenes và một nguyên tử cacbon mới (C60). Phát hiện về C60 được coi là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong quá trình phát triển của khoa học nano. Ông được phong tước Hiệp sĩ năm 1996 và sở hữu nhiều giải thưởng quốc tế danh giá khác. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, GS Kroto sẽ có bài giảng mang chủ đề “Giáo dục nền tảng cho hòa bình và chìa khóa khai sáng cộng đồng toàn cầu” tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nguyên Phong
(thực hiện)
Nguồn : Báo Thanh niên ngày 31/01/2013

8 nhận xét:

  1. Em không có đủ ngôn từ để com bài này; chỉ gửi lời chúc hạnh phúc đến bác cùng gia đình, nhân tết cổ truyền đang đến!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn . Chúc bạn và gia đình những ngày cuối năm vui vẻ và một năm mới an khang .

      Xóa
  2. Câu nói mà mình thích nhất của chủ nhân noben hóa học là câu này :Quốc gia nào mà chính quyền hạn chế những điều mà công dân của họ có thể làm, quốc gia đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.
    Cám ơn Thông Trương đã cho đăng bài phỏng vấn vô cùng quí giá này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Hiện . Cuối năm chúc anh vui vẻ , CT hơ bận nên tranh thủ copy thêm ít bài để các bạn ghé thăm có cái để đọc . Rất vui vì thấy anh cũng thích mấy bài mà CT thích .

      Xóa
  3. "Thứ ba, đó là các nước phát triển có thể đạt được mức độ phát triển như hiện nay vì họ đã được “khai sáng” trong quá khứ. Ở các quốc gia đó, người dân có quyền đặt ra những câu hỏi. Nếu con người trong xã hội không thể đặt câu hỏi, không thể hiện nghi ngờ của mình thì cuộc sống, văn hóa và tri thức của xã hội không thể tiến bộ. Điều quan trọng là chúng ta phải dạy cho thế hệ trẻ cách đặt ra câu hỏi, cách hoài nghi với những kiến thức mà chúng được dạy dỗ. Quyết định đúng đắn chỉ có được từ cách tư duy logic."

    Tôi muốn viết thêm một số cảm nghỉ của tôi về chính quyền VN hiện nay, chủ trương, đường lối, cách thực thi và áp đặt quyền hành xử của các cấp lảnh đạo từ trung ương xuống đến địa phương, về cái "HÈN" của thế hệ trẻ, v.v... Nhưng rất tiếc đây không phải là diễn đàn của tôi nên những nhận xét của tôi có thể sẻ bị cắt bỏ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã nhận xét nhưng hình như bạn đã đi hơi xa tiêu đề chính : " Nghĩ về giáo dục hiện đại " Tôi không quan tâm đến những vấn đề khác . Riêng đối với vấn đề giáo dục tôi đồng ý với tác giả giải Nobel Hóa học rằng đó là một " vấn nạn " trên toàn thế giới hiện nay chứ không riêng gì nước nào , kể cả đối với các nước đã và đang phát triển .Có thể vì giáo dục không theo kịp những bước tiến nhảy vọt của công nghệ và sự gia tăng dân số...

      Xóa
    2. Tôi cũng chỉ nói về vấn đề giáo dục. Gần 20 năm trước đây tôi có ý định về dạy (chùa) tại trường đại học Phú Thọ (nơi tôi đã tốt nghiệp KSCC), đem những gì tôi học hỏi được ở Mỹ về truyền đạt lại cho các thế hệ trẻ... nhưng tôi đã thất vọng hoàn toàn vì đường lối của giới lãnh đạo.

      Xóa
  4. Thật đáng tiếc . Nhưng nếu nói theo triết lý Phật giáo thì có lẽ " mọi sự tùy duyên " . Cũng đành vậy thôi . Bây giờ tụi mình đã vào tuổi nghỉ hưu rồi . Thôi thì cứ " múa trống cơm " như bạn vậy
    cũng là một cách hay để tiêu dao tự tại .

    Trả lờiXóa