Translate

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

BẢN DỊCH CHINH PHỤ NGÂM CỦA AI ? ( CÒN MỘT " NGHI ÁN " TRONG VĂN CHƯƠNG )

             

 Mấy ngày vừa qua , chị em phụ nữ chúng ta lăng xăng chuẩn bị cho ngày 8 tháng 3 , tôi chỉ là một thành viên của " cánh mày râu " nhưng cũng lăng xăng không kém ...à mà khoan đã xin các bạn vui lòng đừng thêm hai chữ " nhẵn nhụi " vào sau cụm từ tôi vừa mở ngoặc ở trên mà tội cho tôi bởi vì tôi vốn hoan nghênh chủ trương nam nữ bình đẳng , ít ra là trong nhiều lĩnh vực ...bằng chứng là trong bài viết trước tôi đã dẫn chứng những trường hợp bà Trưng , bà Triệu ...Những bậc nữ trung hào kiệt này đã làm rạng rỡ trang sử về phụ nữ của đất nước Việt nam chúng ta ...không kém gì các anh hùng hảo hán ...Thế nhưng những chuyện đã kể là thuộc về võ nghiệp ...chắc rằng các bạn nữ blogger của chúng ta sẽ cho rằng  chuyện luyện võ sẽ làm cho dáng vóc của quí vị dễ bị " đề phọt mê " , lại nữa nó cũng liên quan đến vấn đề bạo lực đang xảy ra nhan nhãn trong thời buổi này kể cả trong học đường ( các clip về nữ sinh đánh nhau , rạch mặt nhau ....là những ví dụ điển hình ) vì thế ngày hôm nay tôi muốn đề cập đến một lĩnh vực hoàn toàn đối xứng đó là những phụ nữ đã có công tô điểm cho văn học sử Việt những màu sắc cực kỳ rực rỡ bằng những tác phẩm văn học của mình ...Khỏi phải nói chắc quí vị cũng sẽ nghĩ ngay đến người đầu tiên trong danh sách này là nữ sỉ Hồ xuân Hương ...Tôi rất khâm phục vị nữ sỉ tài hoa này và cũng rất thích thú khi đọc những bài thơ của bà nhưng không biết vì sao tôi lại xúc động  với bài thơ : Thăng long thành hoài cổ " của Bà Huyện Thanh Quan nhiều hơn ...Xin chép dưới đây để các bạn thưởng thức ,

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
    Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
    Nước còn cau mặt với tang thương.
    Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường .

Tôi không bình luận vì đã có quá nhiều nhà văn , nhà thơ , nhà giáo bình luận về bài thơ này và còn vì vấn đề chính tôi muốn nói đến trong bài viết này không phải là bài thơ này : Cảm nhận về bài thơ như thế nào là tuỳ ở các bạn riêng tôi thì tôi xin được phép bước sang vấn đề thứ hai .
Đó là câu chuyện về một nghi án văn chương mà tôi chỉ mới được đọc thêm từ một số tư liệu gần đây ...Tôi xin nói trước là tôi chỉ là người đọc , không phải là nhà sưu tầm nên không chịu trách nhiệm về tính xác thực của các tư liệu , nếu bạn nào có thì giờ hoặc có những nghiên cứu sâu sắc hơn thì xin vui lòng cho tôi ý kiến hoặc cho tôi được đọc thêm . Thế thôi ...Điều tôi đang nói đến là bản dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng trần Côn ...Bản dịch này trước đây tôi đã thuộc gần như hai phần ba vì nó hay quá ...Tôi mê bản dịch này gần bằng truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ...mặc dù tôi không phải là chinh phu , cũng không thể là chinh phụ ...Đối với thể loại thơ song thất lục bát thì theo tôi bản dịch Chinh phụ ngâm có thể xếp vào hạng đầu bảng ...và từ lâu tôi vẫn tin vào các nhà nghiên cứu , các nhà xuất bản rằng : dịch giả chính là bà Đoàn thị Điểm ...
Thế nhưng trưa nay tình cờ đọc một bài báo ở quầy tôi thấy có một chi tiết đáng lưu ý , vì thế khi về nhà tôi đã nhờ ông bạn google tìm ra một trong nhiều bài báo tương tự về vấn đề này nên chép lại đây để các bạn tham khảo . Xem như đây là chuyện " hậu 8 tháng 3"vậy ..Được không các bạn ?

Thứ ba, 01 Tháng 1 2013 00:30  Báo Hải Dương
Chúng ta đã biết, Nguyễn Trác Luân (1700 - 1767) là vị tiến sĩ duy nhất của Thành Đông xưa.
Ông có cả võ công và văn trị. Tên tuổi sự nghiệp của ông được ghi nhận tại bia tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nội và trong hai cuốn sách: "Lược truyện các tác gia Việt Nam" và "Tác gia Hán Nôm Hải Hưng".
Nguyễn Trác Luân có người em gái là Nguyễn Thị Điểm ham học, giỏi thơ văn, ngay từ khi còn trẻ thường cùng ông xướng hoạ thơ văn. Những giai thoại văn học giữa Nguyễn Trác Luân và Nguyễn Thị Điểm có chép ở các sách "Nam hải dị nhân liệt truyện", "Đăng khoa lục sưu giảng"... đều trùng với giai thoại giữa Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm mà Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án kể trong "Tang thương ngẫu lục".
Trong sách "Nam hải dị nhân" của Phan Kế Bính dưới đề tài Nguyễn Thị Điểm (từ trang 242 đến 245) có ghi:  Thị Điểm người huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (chỗ này lẫn với quê của Đoàn Thị Điểm), em gái tiến sĩ Nguyễn Trác Luân... đến năm 15 tuổi, văn chương đã giỏi lắm.
Một lần, khi bà đang ngồi trước cửa sổ soi gương, anh ra câu đối rằng: "Đôi kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm", nghĩa là: "Soi gương vẽ lông mày, một nét hoá thành hai nét". Điểm là nét vẽ, lại là tên bà ấy, có ý một nàng Điểm hoá ra hai nàng Điểm.
Thị Điểm ứng khẩu đối ngay rằng: "Lâm trì ngoạn nguyệt, nhất Luân chuyển tác song Luân", nghĩa là: “Cạnh sông xem bóng trăng, một vầng giống như hai vầng”, Luân vừa là vầng trăng, vừa là tên ông anh, có ý một ông Luân thành ra hai ông Luân.
Bấy giờ tiếng Thị Điểm lừng lẫy chốn kinh thành, các học trò hay chữ ai cũng muốn trêu ghẹo. Một hôm có Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Cư, Võ Toại đều có tiếng hay chữ, người ta thường gọi là: "Tràng An tứ hổ". Bốn người đến chơi tận nhà Thị Điểm muốn thử tài làm thơ với nhau.(Nguyễn) Thị Điểm ra câu đối: "Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang".  Thiếu nữ có nghĩa là gió, một nghĩa nữa là con gái nhỏ. Tân lang một nghĩa là cây cau, một nghĩa nữa là rể mới. Câu đối này có nghĩa là: trước sân gió động cây cau và một nghĩa nữa là: Cô gái nhỏ mời rể mới xơi trầu. Vì đa nghĩa nên khó đối.
Bốn người không đối được, phải xấu hổ trở về.
Trong thời Long Đức (đời Thuần Tông nhà Lê) có sứ Tàu sang phong vương. Vua sai Thị Điểm đứng trực ở cửa Đoan Môn. (Nguyễn) Thị Điểm có ý trêu ghẹo sứ giả. Sứ giả nói đùa một câu rằng: "An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh", nghĩa là một tấc đất Nam, chẳng biết mấy người cày.
Thị Điểm đối rằng: "Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất", nghĩa là: "Đại trượng phu Bắc quốc, đều do đường này ra".
Sứ giả thẹn đỏ mặt bỏ đi.
Thị Điểm có làm ra bộ sách "Tục truyền ký" lưu truyền ở đời. Ở cuối bài lại có chú thích: "Đoàn Thị Điểm tức Nguyễn Thị Điểm, tương truyền đã diễn "Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn ra chữ nôm. Tác giả Phan Kế Bính đã lẫn Nguyễn Thị Điểm và Đoàn Thị Điểm là một.
So sánh hai bà với nhau, cũng có những điểm trùng hợp về tên gọi bản thân (Điểm) về tên gọi hai ông anh (Luân), trùng hợp về tài thơ văn, về nghề dạy học, trùng hợp về thời điểm xuất hiện (thời Trịnh Cương, Trịnh Giang), trùng hợp về người nhà làm quan ở Triều Khẩu (trấn sở Nghệ An thời Lê). Đây có thể là những nhân tố phức tạp dẫn đến lầm lẫn bà Nguyễn Thị Điểm ở Bình Lao trang, trấn Hải Dương với Đoàn Thị Điểm quê ở Giai Phạm, huyện Đường Hào cũng thuộc trấn Hải Dương (nay là xã Giai Phạm thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Nhưng giữa hai bà Điểm cũng có nhiều chỗ khác nhau như giai thoại mà sách "Đăng khoa lục sưu giảng" chép: Khi Trác Luân vào tam trường thi Hội trúng cách, có người bạn hỏi ông làm văn sao tài thế, thì ông trả lời: "Thường ở nhà có em gái hay bắt bẻ văn chương, nhờ đó mà văn điêu luyện" thì trong truyện Đoàn Thị Điểm không thể có vì anh trai bà là Đoàn Doãn Luân không hề đỗ đại khoa. Có sách chép Doãn Luân từ chân giám sinh chuẩn bị thi Hương, lại có sách chép đã qua kỳ sát hạch để chuẩn bị thi Hương và đỗ đầu ở kỳ sát hạch đó.
Bà Nguyễn Thị Điểm năm 78 tuổi vẫn đi dạy học ở kinh đô, còn Đoàn Thị Điểm tục truyền giỏi chữ nghĩa nên muộn chồng, mãi tới năm 37 tuổi (1742) mới lấy ông Nghè Sù, tức Nguyễn Kiều (1695 - 1771), người làng Phú Xá (làng Sù) huyện Từ Liêm (Hà Nội). Bà Điểm lấy ông Kiều được khoảng một tháng thì ông Kiều đi sứ Thanh ba năm sau mới về (1745). Đến năm 1748 thì ông Kiều được chuyển vào làm chức Tham thị ở thành Triều Khẩu (Nghệ An). Bà Điểm đi thuyền theo chồng, đến vùng đền Sòng (Thanh Hoá) thì bị cảm và sáu ngày sau đến Triều Khẩu thì mất. Về tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, theo sách "Tang thương ngẫu lục" có ba truyện bằng Hán văn: Hải khẩu Linh từ, Vân Cát Thần nữ nói về chúa Liễu Hạnh và An ấp liệt nữ. Nhưng sách "Nam hải dị nhân" của Phan Kế Bính lại chép ba truyện này của Nguyễn Thị Điểm.
Vì thế việc bàn xem ai là dịch giả Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn thì lại càng rắc rối và phức tạp hơn.
Trong quyển "Chinh phụ ngâm bị khảo" do nhà Minh Tân xuất bản ở Pa-ri năm 1953, tác giả Hoàng Xuân Hãn đưa ra bốn bản dịch khác nhau, không kể các bản phỏng dịch. Nhưng bản dịch Chinh phụ ngâm trong diện bàn cãi hiện nay chính là bản đang lưu hành và được giảng dạy ở các trường phổ thông và đại học, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giải thích rằng: "Sở dĩ người ta nhầm Đoàn Thị Điểm ra Nguyễn Thị Điểm vì lầm tưởng bà là em ông tiến sĩ Nguyễn Trác Luân" (chú thích 27, trang 30).
Giáo sư Bùi Văn Nguyên, nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học thế kỷ thứ XVIII đã đặt vấn đề: Bà Điểm nào trong hai bà Điểm, tương truyền có tham gia dịch một số bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn? (Tạp chí Văn học số 6-1977). Giáo sư đưa ra nhiều dẫn chứng thiên về bà Nguyễn Thị Điểm, em gái tiến sĩ Nguyễn Trác Luân là dịch giả cuốn Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn hiện đang được lưu hành. Ông viết: "Gây ra cái việc rắc rối bằng cách gán cho Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản Chinh phụ ngâm lưu hành hiện nay chính là cái tội của Vũ Hoạt vào đầu thế kỷ XX, đời Thành Thái. Đúng như Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: Có thể Vũ Hoạt nghe loáng thoáng có một bà Điểm nào đó hay chữ, liền nghĩ ngay đến bà Điểm vợ ông Kiều ở huyện Từ Liêm, cùng quê với ông Đặng Trần Côn là tác giả khúc ngâm, rồi ghi luôn vào bản khắc mà mình giới thiệu cho thêm phần giá trị và Vũ Hoạt đã khéo bảo vệ bằng luận điểm tương truyền (lời bạt viết năm 1904 đời Thành Thái). Đã gọi là tương truyền thì chả có bằng cớ nào, về sau nếu không đúng cũng thôi.
Quả vậy, sách "Tang thương ngẫu lục" cũng như trong "Đoàn thị thực lục" cũng không hề nói Đoàn Thị Điểm dịch "Chinh phụ ngâm". Lại nữa, bản "Chinh phụ ngâm" dịch nôm do Hiệu Trường Thịnh khắc ở Hà Nội khoảng thời Tự Đức (1848-1883) sau được tái bản nhiều lần cũng không thấy nói ai là dịch giả bản lưu hành hiện nay.
Giáo sư Bùi Văn Nguyên kết luận: "Nếu quả có một bà Điểm tham gia dịch một bản Chinh phụ ngâm theo tục truyền, thì ngoài Đoàn Thị Điểm, cần tìm sang một hướng khác là hướng Nguyễn Thị Điểm".Nếu một mai, "nghi án" văn chương này được làm rõ, được sáng tỏ, thì dòng họ Nguyễn Trác ở Bình Lao trang nay là thành phố Hải Dương lại được thêm một vòng nguyệt quế.
LƯU ĐỨC Ý

Theo Báo Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét