Translate

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

CHUYỆN KỂ CỦA THẦY

                                                  



1.-- Rất may là trong chuyến viếng thăm thầy  Viên lần thứ hai này có bạn H. Dục tháp tùng ...
.Lý do thứ nhất khiến tôi phải nói như vậy là vì sự có mặt của bạn HD chắc chắn sẽ đủ để làm chứng cho tôi rằng tôi hoàn toàn không phải tìm cách tiếp cận thầy để " chạy điểm " cho tôi hoặc các con tôi ....Các thầy  cô chúng tôi ngày xưa không hề dạy thêm ngoài giờ để " tăng thu ngân sách " vì thế muốn được thầy cô ưu ái một chút thì bắt buộc phải học cho giỏi hoặc phải có một điều gì đó nổi trội .Bạn nào tự xét thấy mình thiếu nội lực thì cứ chịu khó đến các trung tâm luyện thi hoặc các " course " do các nhóm giáo sư dạy tư mà luyện thêm để khỏi rơi vào cảnh " lảo đảo trường ốc " ...Những bạn được thầy cô nhớ tên và có nhiều cơ hội để tiếp xúc với thầy cô thường là những  lớp trưởng hoặc lớp phó ...Tôi không phải là thành viên các bang bệ kiểu này mặc dù có một vài môn tôi cũng khá xuất sắc như Sinh ngữ và Triết học ...vì thế tôi thường " nhường " các Bảng danh dự cho các bạn khác học đều các môn ....Chính vì chỗ " biết thân biết phận " như vậy nên đối với các thầy cô tôi thường áp dụng đối sách : " kính nhi viễn chi " và luôn theo đuổi " đường lối nhất quán " này từ lúc vào trường cho đến lúc ra trường ....Chỉ có một ngoại lệ là trong năm lớp 11 tôi có tham gia đội văn nghệ của trường do thầy Trần đình Quân dẫn dắt và tập dượt nên mới có nhiều dịp gặp thầy hơn nhưng dù có " quen biết " thầy thì tôi cũng không có quyền nộp những " áng văn ngô nghê  " mà mong được điểm cao ...Chúng tôi quan niệm càng được thầy dánh cho " biệt nhỡn " thì càng phải cố gắng hơn nữa để khỏi phụ lòng thầy ...
Lý do thứ hai cũng có phần xuất phát từ lý do thứ nhất ...Đó là vì khi luôn giữ " khoảng cách an toàn " đối với thầy cô nghĩa là chúng tôi chưa bao giờ có dịp ngồi để nâng ly 100 phần trăm mà dzô dzô như nhiều bạn trẻ sau này với các giáo viên phụ trách huống chi được chụp chung với các thầy các cô một tấm ảnh lưu niệm ...Tôi cho rằng muốn được chụp chung với người mẫu thì còn dễ hơn vì có rất nhiều trường hợp mình chỉ cần sùy tiền ra là được chứ đối với thầy cô thì ai mà dám . Thời tuổi trẻ đã qua đi , tôi  không còn được cái nhan sắc chim sa cá lặn nên cũng không mong mõi được tham gia thi ảnh hậu hoặc ảnh đế thế nhưng cái cơ hội được chụp chung với thầy một tấm hình làm kỷ niệm cho phần đời còn lại  thì đang gần kề ...Tôi biết máy ảnh của bạn HD chụp rất sắc nét nên hy vọng nó sẽ che bớt những khuyết điểm về ngoại hình của mình để giúp tôi có thể khoe với các con tôi và cả mấy đứa cháu nội ngoại sau này mà không chút ngượng nghịu .
Thế nhưng lý do thứ ba mới chính là lý do quan trọng nhất : Sự có mặt của bạn H Dục đã giúp cho câu chuyện của ba thầy trò chúng tôi thêm sinh động , phong phú  bởi vì bạn H Dục cũng là một nhà giáo ...ngoài ra , một trong những người con của thầy có khoảng thời gian dạy cùng trường với vợ bạn H Dục ...Nhờ thế tôi có đủ thời gian để lắng nghe , nhìn và cảm nhận một niềm vui nhẹ nhàng trong lúc trò chuyện với thầy .
Tôi không nhớ hết thầy trò chúng tôi đã nói những gì , chỉ biết xen giữa câu chuyện là những tiếng cười , những lời bày tỏ sự ngạc nhiên hoặc thú vị về những kỷ niệm , những hình ảnh ở lớp xưa , trường cũ ...Mà trong đó có một chuyện kể của thầy về thầy Nguyễn lương Hiền ...trước đây là giáo sư môn Triết học lớp 12 C chúng tôi ...Câu chuyện khiến tôi rất xúc động vì thầy Hiền đã mất khi chưa đầy năm mươi tuổi ...vị thầy mà trước đây tôi rất khâm phuc  về kiến thức uyên bác và cách dạy rất dễ hiểu đối với một môn học thuộc vào loại " khó nhá " ...Tôi còn nhớ  thầy Hiền đã sưu tầm các tài liệu liên quan đến môn học rồi bỏ tiền túi quay roneo đem đến phát không cho chúng tôi để chúng tôi dễ hiểu bài hơn ....
Câu chuyện về thầy Hiền qua lời kể của thầy Viên đã nói lên cách sống đầy tình nghĩa của thầy Hiền đối với bạn bè vào cái giai đoạn cực kỳ khó khăn của xã hội sau ngày các thầy giã từ trường học vì không còn hội đủ điều kiện để giảng dạy ...Câu chuyện cũng giúp tôi nhận thấy sự thông minh , tinh tế và nhạy bén của thầy Hiền khi vừa bỏ viên phấn trên bục giảng đã xắn tay áo lao động nặng nhọc để mưu sinh và để nuôi sống gia đình ...
2.-- Câu chuyện tôi được nghe thầy Viên kể bắt đầu một cách đột ngột khi tôi nhắc lại với thầy rằng tôi đã học lớp 12 C ...còn bạn H,Dục học 12 B 
Thầy hỏi tôi : " Em học 12 C vậy là em có học môn Triết thầy Hiền chứ ? 
Tôi đáp : " Dạ có ..."
Thầy tiếp : " Vậy em thấy thầy Hiền thế nào ? "
Tôi hơi bối rối một chút vì câu hỏi bất ngờ ...nhưng rồi cũng trả lời thành thật : " Dạ , em thấy thầy Hiền đúng là rất hiền nhưng có vẻ hơi lạnh lùng . Suốt thời gian học với thầy em chưa bao giờ thấy thầy cười thế nhưng em lại bị thu hút bởi cách giảng bài đầy nhiệt tình của thầy ...Trong chương trình Triết  học lớp 12 em được học 3 chủ đề chính : Tâm lý học , Luận lý học và Đạo đức học ...Có thể nói em chịu ảnh hưởng của thầy Hiền rất nhiều khi sau này quyết định chọn ngành Triết học tại Đại học Văn Khoa  mặc dù em biết với ngành này sau khi ra trường rất khó  tìm được việc làm phù hợp ...Tuổi trẻ thường hay mơ mộng , dường như những vấn đề mà thầy Hiền đã nêu ra trong môn Tâm lý học như : Hạnh phúc , Đau khổ , Cảm xúc , Đam mê ...cũng chính là những điều mà em quan tâm nhiều nhất ...Em muốn tìm ra lời giải cho những vấn nạn của kiếp sống ..."  Tôi dừng lại vì chợt nhận thấy mình đã trả lời hơi dài và có lẽ cũng vì nhìn thấy  ánh mắt thầy Viên long lanh như có ngấn lệ ...
Thầy nói , mà như không phải nói với chúng tôi : " Hồi còn ở trường thầy và thầy Hiền chưa thân nhau vì thầy làm việc bên Ban Giám hiệu , tính thầy Hiền vốn thẳng thắn nên các thầy trong Ban Giám Hiệu không thích lắm ...Mối giao tiếp giữa thầy với thầy Hiền vào lúc này phần lớn chỉ là qua công việc ...Mãi đến sau này khi cả hai thầy không còn dạy ở trường nữa thầy mới có cơ hội hiểu thầy Hiền sâu hơn ...
Chắc các em còn nhớ những năm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước ...Đối với một nhà giáo thì việc phải đột ngột rời bỏ nhà trường , lớp học và học trò quả là một cực hình ...Thế nhưng đối với các thầy lúc ấy thì còn hơn thế nữa vì chẳng biết phải làm gì để kiếm sống ...Những kiến thức mà các thầy được trang bị để truyền đạt cho học trò bổng dưng trở thành một thứ gánh nặng và hoàn toàn  vô ích , vô nghĩa trước thực tế cuộc sống ...Sự chao đảo là một điều tất nhiên bởi vì hoàn cảnh kinh tế chung của xã hội lúc ấy cũng vô cùng khó khăn ...
Một thời gian sau thầy được người quen giới thiệu nên nhận sách của NXB Đà nẵng về gia công khâu thành tập rồi sau đó nhận luôn việc đóng bìa ... Riêng thầy Hiền , đến khi tình cờ gặp lại thì thầy mới biết thầy Hiền đã trở thành một thợ hàn rất giỏi ...Các em cứ hình dung một ông thầy giáo dáng người gầy , dong dỏng cao  với bàn tay mềm như tay con gái mà bây giờ cầm chiếc mỏ hàn một cách thuần thục các em mới biết thầy Hiền đã cố gắng dường nào ...Cũng cần phải nói thêm rằng những mối hàn của thầy Hiền rất chuẩn đến độ sau khi hàn chỉ cần chà sơ giấy nhám là mình không thể tìm thấy mối hàn .
Chính nhờ nghề này mà thầy Hiền đã vượt qua khó khăn và đảm bảo cuộc sống gia đình, nhất là khi thầy phát triển thêm nghề hàn khung xe đạp ...Nếu các em có dịp đi ngang bến xe liên tỉnh hồi ấy chắc các em đã thấy trên mui những chuyến xe ca Nam Bắc ngày nào cũng có hàng trăm , hằng ngàn chiếc khung xe được bọc giấy báo cẩn thận ..."
Sau chiến tranh , nhu cầu đi lại của người dân tăng vọt nhưng các phương tiện cơ giới thì rất hạn chế , lại thêm xăng dầu đắt đỏ vì thế mọi người đã tận dụng tất cả các loại phế liệu để chế biến thành những phương tiện phục vụ đời sống ...Thầy Hiền đã nhanh nhạy hơn thầy rất nhiều nên đã chọn đúng một nghề có thu nhập tương đối khá ...Những lúc rảnh rỗi thầy thường ghé xem thầy Hiền làm việc , nhìn thầy Hiền đập đập , gõ gõ rồi ngấm ngắm , nghía nghía trước khi đặt vào khung hàn mới thấy thầy đúng là một ông thợ lành nghề ... Thầy Hiền vừa làm vừa trò chuyện với thầy về cuộc sống , về trường học với nhiều luyến tiếc ...chẳng bao lâu hai thầy trở nên thân nhau ....Thầy Hiền vốn không hề uống rượu nhưng lại luôn mua sẵn rượu để trong nhà như chỉ để dành riêng cho thầy ...Mỗi lần thầy đến , thầy Hiền lại dặn vợ chuẩn bị đồ nhắm thật ngon ...
Có một lần , hồi ấy con thầy thi đỗ Đại Học Tổng hợp Hà Nội ...nhưng thầy chẳng biết lấy tiền đâu để cho nó đi làm thủ tục nhập học ...Túng thế thầy đến hỏi thầy Hiền mượn đỡ bốn trăm ...Thầy Hiền bảo : " Mượn ít quá làm sao mà đủ ..." nên thầy Hiền đưa luôn thầy một ngàn .và nói rằng : " Thói thường bạn bè với nhau khi vay mượn của nhau người ta  dễ xa nhau lắm nên mình phải nói trước với bạn rằng đối với tụi mình thì không có chuyện đó đâu nhé ...Chuyện bạn mượn tiền hay không mượn , trả hay không trả không liên quan gì đến tình bạn của tụi mình ...Cứ cầm lấy mà lo cho cháu , khi nào có thì bạn trả , đừng ngại gì hết ...nếu thiếu thì bạn cứ nói , mình sẽ đưa thêm ...." 
Thú thật với các em thầy đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này và luôn tâm niệm rằng phải cố gắng hoàn trả cho thầy Hiền càng sớm càng tốt thế nhưng trong lúc thầy dành dụm chưa đủ thì có một hôm thầy Hiền mang đến cho thầy mấy chồng sách và nói rằng : "  Mình mới sửa lại cái kệ sách nhưng số sách này nhiều quyền hư bìa hoặc cong góc , nhờ bạn đóng giúp mình lại cho đẹp " 
Tất  nhiên thầy đã cố gắng làm đẹp số sách ấy với tất cả khả năng của mình ...Hôm thầy mang sách đến giao cho thầy Hiền thì thầy nhận sách và nói : " Cám ơn bạn , như vậy là bạn đã trả xong số tiền bạn mượn của mình , bây giờ tụi mình  không ai nợ ai ....Đừng bao giờ nghĩ đến điều đó nữa ..." Các em chắc cũng hiểu rằng thầy Hiền muốn giúp đỡ thầy nhưng lại sợ tổn thương lòng tự trọng của thầy nên đã chọn cách đó chứ khoản tiền công đóng sách có đáng là bao .
Nghĩa cử ấy của thầy Hiền khiến thầy chẳng biết nói sao ...Vậy mà ...
Mấy năm sau thầy Hiền mất ...thầy đã ngồi với thầy Hiền suốt buổi chiều với một nỗi đau khó tả .. Trạng thái của thầy Hiền trước khi mất rất lạ ...thầy chưa từng thấy ai như vậy trước đó  ...Không hiểu vì khối u trong não chèn ép khiến các  sóng não mất tín hiệu  hay sao  mà giống như tình trạng bị mất điện ...có lúc thầy Hiền chợt tỉnh , nói vài ba câu với thầy rồi lại lịm người đi , một lúc sau lại tỉnh ...Cứ chập chờn như vậy rất lâu ...cuối cùng mới mất ..."
Giọng thầy Viên có vẻ như nghẹn lại khi kể đến đây ...Tôi hiểu rằng có những niềm ưu uất  đã được nén lại trong tâm hồn thầy và  có thể đã lâu lắm rồi thầy không có dịp kể lại với ai ...Những người chung quanh thầy tuy quen mà rất lạ chắc chẳng còn ai nhớ đến ông thầy giáo thợ hàn và nếu có nhớ đến thì cũng chỉ nghĩ rằng đó là một người đã mất như muôn triệu con người đã mất khác vì cõi đời này không thể giữ mãi một ai ...Chỉ riêng với thầy và có lẽ với cả chúng tôi , những cậu học trò  đang lạc lõng giữa dòng đời bận rộn vẫn đang cố tìm và giữ trong ký ức , trong trái tim mình những hoài niệm thân yêu về một cuộc đời , một hình bóng không thể lẫn lộn với bất cứ một hình bóng nào trong một thế giới điệp trùng ảo ảnh ....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét