Translate
Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014
VÀI NÉT VỀ MẠC ĐỈNH CHI
Tôi chỉ là một fan hâm mộ bóng đá theo kiểu " ngó " và " đọc " chứ ít khi " xem hoặc coi " ...Lý do đơn giản chỉ là vì tôi thường phải " thức khuya dậy sớm " để thả cần câu cơm ...Hồi còn nhỏ tôi cũng là một trong những cầu thủ cừ khôi của xóm Bàu Sen với những cú " ngả bàn đèn " hoặc " vô lê " tuyệt đẹp mặc dù khi cởi áo để gói đôi dép vứt ra 2 bên cầu môn thì các khán giả nhí không cần đếm cũng có thể biết được tôi có bao nhiêu chiếc xương sườn ...Mấy chục năm trôi qua tôi không biết những " cầu thủ trong đội tuyển của tôi " hồi ấy ngoài tôi ra thì được bao nhiêu lão còn được hít thở khí trời như tôi nữa và họ đang ở đâu dưới gầm trời này , chuyện đó thì tôi đành chịu ...
Thời thế thay đổi , những cuộc thư hùng trên mấy đám ruộng giữa " đội tuyển của tôi " và đội tuyển xóm kế bên hồi ấy, có khi thường kết thúc bằng một tỷ số hòa không bàn thắng vì một vài em cầu thủ bất ngờ nhìn thấy cha hoặc mẹ xuất hiện với chiếc roi trên tay ...Nếu biết rằng chỉ mấy chục năm sau cái trò chơi trẻ con vô tích sự ấy lại trở thành một thứ nghề nghiệp đàng hoàng và còn được trọng dụng trong xã hội mới -- bằng chứng là có những cầu thủ có giá hàng chục triệu đô -- thì không chừng tôi đã bỏ học chữ để luyện đôi chân cho dẻo rồi ...
Nhưng mà thôi ...chuyện đời vốn thường như vậy ...Không ai có đủ tầm nhìn để nhìn suốt cả tương lai và hậu vận của chính mình ngoại trừ mấy ông thầy bói . Cách tốt nhất để giúp thân tâm an lạc là đừng có đứng núi này trông núi nọ ...Nói như cụ Cao bá Quát : " Thân hệ bang gia chung hữu dụng , Thiên sinh hào kiệt bất ưng hư " thì tôi cũng có thể yên lòng rằng chính nhờ cái khả năng phán đoán và cái kỹ năng đón đúng điểm rơi để đánh đầu hồi còn nhỏ mà tôi đã tìm thấy niềm vui mỗi khi thử dự đoán trong các trận EURO , WORLDCUP ...
Chính trong trận Anh Ý sáng nay cũng vậy ...Trong khi vợ tôi cứ nằng nặc cho rằng đội Anh sẽ thắng thì tôi lại bảo đội Ý ...Vợ tôi không tin và còn thách độ ...Tôi vốn không thích mấy chuyện cờ bạc đỏ đen bởi vì hồi còn thanh niên tôi đã từng chơi thử tất cả các trò đổ bác và tìm thấy một chân lý hiển nhiên rằng :" Cờ bạc chẳng giải quyết được chuyện gì cả mà đôi khi nó còn hạ thấp nhân cách , nhất là khi người ta thua ..." Nhưng còn một lý do khác đơn giản hơn là nếu tôi thắng thì vợ tôi cũng sẽ lấy " tiền của chúng tôi để chung độ cho tôi " mà thôi ...Điều này khiến vợ tôi ấm ức thế nên khi trận đấu kết thúc vợ tôi mới hỏi : " Anh căn cứ vào đâu mà đoán đúng như vậy ? " Tôi trả lời : " Dễ hiểu thôi ...ngay đến MU là đội tuyển bậc nhất ở giải ngoại hạng Anh mà anh vẫn chưa bao giờ thấy yên tâm về khâu tổ chức phòng ngự huống hồ là đội tuyển Anh ...Đội Anh có những tiền đạo xuất sắc nhưng khi phối hợp lại luôn luôn có sự gắn kết thiếu nhuần nhuyễn vì thế không thể chọi lại đội Ý vốn sở trường về phòng ngự phản công ..." Tôi không định tự lăng xê để sau này có cơ hội thay thế chú rùa hay chú bạch tuộc dự đoán các trận đấu và đội vô địch mà chỉ ghi lại chi tiết này để các bạn đọc cho vui đồng thời nó cũng là phần tiểu dẫn cho một bài chép dưới đây :
Tiểu dẫn :
Sáng nay trực quầy , ngồi đọc báo có bài viết về Mạc đỉnh Chi ...chợt nghĩ ngày xưa vua nhà Nguyên vốn rất hiếu chiến nhưng lại có cách đối xử rất có văn hóa đối với một sứ thần nước ta thời Trần ...chẳng hiểu thời nay thì sao !? nên chép bài này để các bạn đọc cho vui , xem như Ôn cố tri tân ...
( Nguồn Wikipedia tiếng Việt )
MẠC ĐỈNH CHI
Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh.
Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư). Đặc biệt hai lần đi sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất thông minh của mình khiến người nước ngoài phải khâm phục. Về sau ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế.
Mạc Đĩnh Chi là người giỏi ứng đối.
Năm 1308 Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, đến cửa khẩu sai hẹn, quân Nguyên canh gác bắt phải chờ đến sáng hôm sau. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh cửa ải thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thử thách sứ bộ Đại Việt nếu đối được thì họ sẽ mở cửa. Câu đối có nội dung như sau:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
過關遲, 關關閉, 願過客過關
(nghĩa là: Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua)
Một vế đối hóc búa đến 4 chữ quan và 3 chữ quá? Mạc Đĩnh Chi thấy khó, nhưng ông đã nhanh trí dùng mẹo để đối như sau:
Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối
先對易, 對對難, 請先生先對
(nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước).
Vế đối của ông có 4 chữ đối và 3 chữ tiên, đúng với yêu cầu câu đối của viên quan ấy. Tưởng lâm vào thế bí, hóa ra lại tìm được vế đối hay, khiến người Nguyên phải phục và liền mở cửa ải để đoàn sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi qua biên giới.
Tới kinh đô nhà Nguyên, Mạc Đĩnh Chi được vời vào tiếp kiến vua Nguyên. Vua Mông Cổ ra một câu đối đòi ông phải đối lại:
Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
(nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).
Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý tỏ vẻ kiêu ngạo của một nước lớn và cả mục đích đe dọa của vua Nguyên. Ông đã ứng khẩu đối lại:
Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rụng mặt trời).
Vế đối rất chuẩn và tỏ rõ sự cứng rắn của người dân nước Việt, không run sợ và sẵn sàng giáng trả và làm thất bại kẻ thù.
Có thuyết nói rằng vì câu đối này của Mạc Đĩnh Chi, người phương Bắc đoán con cháu ông sau này sẽ làm việc thoán đoạt (ứng với hành động của Mạc Đăng Dung).
Có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ đúng vào dịp công chúa của vua Nguyên mất. Lúc tế vong, quan nhà Nguyên đưa cho Chánh sứ An Nam bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có 1 chữ "Nhất" "-"(là một). Ông chẳng hề lúng túng, vừa nghĩ vừa đọc thành bài điếu văn:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết!
青天一朵雲
烘爐一點雪
上苑一枝花
瑤池一片月
噫雲散雪消花殘月缺
Tạm dịch:
Một đóa mây giữa trời xanh
Một giọt tuyết trong lò lửa
Một cành hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước hồ
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Bài văn khiến người Nguyên rất khâm phục.
Một lần Mạc Đĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Trong phủ trang hoàng lộng lẫy, giữa phòng có treo một bức trướng to hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất thật. Mạc Đĩnh Chi ngỡ là chim sẻ thật đậu ngoài cửa sổ nên chạy đến xem thì mới biết đó chỉ là bức hoạ. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý châm chọc. Mạc Đĩnh Chi vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh. Mọi người đều kinh ngạc. Bấy giờ ông mới nghiêm mặt giải thích:
Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.
Quan nhà Nguyên cho là phải, không dám cười nữa.
Một hôm Mạc Đĩnh Chi cùng với phái bộ triều Nguyên đi chơi. Tới gần một cây cầu, chẳng may Trạng Việt Nam bị sa hố, phái bộ đều chạy lại để đỡ ông dậy. Để đùa vui, họ ra cho ông một vế câu đối:
Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tự đạo
(Nghĩa là: Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng)
Cái khó của câu này là ở chỗ dùng toàn tên người ghép lại. Theo đó, can mộc là Đoàn Can Mộc - một nhân vật đời Chiến quốc, Hoành Cừ: tên hiệu của Trương Tải - một triết gia đời Bắc Tống, Lục Giả: người nước Sở, giỏi biện luận, theo giúp Hán Cao Tổ, tương như: Lạn Tương Như, một nhân vật nổi tiếng đời Chiến Quốc, tự đạo: Giả Tự Đạo, người đời nhà Tống, một quyền thần chuyên chế.
Mạc Đĩnh Chi nhìn quanh nom thấy ở bên kia sông có cái đình dưới chân núi, nhân thế chỉ tay thẳng đình mà đối:
Đại đình, an thạch, vọng chi nghiễm nhược Thai sơn
(Nghĩa là: Đình to, đá vững, nhác nom như thể Thiên Thai)
Câu này cũng dùng toàn tên người ghép lại như ở câu trên mà lại có ý khoáng đạt hơn nhiều, theo đó Đại Đình là một biệt hiệu của Thần Nông, an thạch tức Vương An Thạch thừa tướng đời Bắc Tống, Vọng Chí là người đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên đế (hai từ "nghiễm nhược" và "Thai sơn", các nhà nghiên cứu cho biết chưa tra cứu ra là ai).
Một lần nữa, người Nguyên lại phải khâm phục tài văn học của Mạc Đĩnh Chi.
Lưỡng quốc Trạng nguyên
Lại một lần khác, Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần một số nước ra mắt vua Nguyên. Nhân có nước nào đó dâng chiếc quạt, vua Nguyên bắt sứ thần Đại Việt và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liến thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:
"Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công" (là những người được vua trọng dụng)
"Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề" (là những người bị ruồng bỏ)
Với sự nhanh trí kì lạ, Mạc Đĩnh Chi liền phát triển hai câu thơ trên thành một bài xuất sắc, mô tả chiếc quạt:
Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu.
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.
Dịch nghĩa:
Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!
Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, và phong "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước) và chữ do chính tay hoàng đế nhà Nguyên viết
Giai thoại dân gian
Mạc Đĩnh Chi đi xứ sang nhà Nguyên có đi qua đền thờ Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ ở bến Ô Giang, tương truyền hễ ai đi qua đoạn sông này y như rằng sẽ gặp sóng to gió lớn. Người dân ở đây bảo phải mang hàng vạn tiền vàng ghé qua đền thắp hương đốt vàng tiền cho Bá Vương thì mới qua được, nhiều người y lời làm như vậy quả nhiên sóng gió lập tức ngừng lại ngay. Từ đó thành lệ hễ ai đi qua muốn suôn sẻ cũng phải dừng lại đốt tiền vàng như thế cả, Mạc Đĩnh Chi thấy vậy đến bên đền cầm bút viết ngay trước cổng bài thơ sau:
"Quân mạc phi quân thần phi thần"
"Như hà miếu mạo tại giang tân"
"Giang Đông tích nhật do hiềm tiểu"
"Hà tích thiêu tàn bách vạn cân"
君莫非君臣非臣
如何庙冒在江津
江东惜日由嫌小
何惜烧残百万斤
Dịch nghĩa
Vua chẳng ra vua tôi cũng không
Cớ sao đền miếu ở bên sông
Giang Đông ngày trước còn chê nhỏ
Sao hám tiền gio mấy vạn đồng
Từ đó về sau khi đi qua đoạn sông này người ta không còn thấy sóng gió như trước nữa.
Tính liêm khiết
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sống rất liêm khiết, thanh bạch. Vì vậy tuy làm quan to nhưng vẫn nghèo. Vua Trần Minh Tông biết rõ sự tình nên sai người lúc đang đêm đem 10 quan tiền bỏ trước nhà của ông. Sáng sớm khi thức dậy, ông thấy tiền không chủ nên mang vào triều nộp và tâu vua. Vua cười bảo: "Không ai đến nhận, khanh cầm lấy mà tiêu". Vua khen ông trong sạch và tặng ông hai chữ "Lịch sự".
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét