Translate

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

CHUYỆN MỒNG NĂM


Gánh lá mồng 5 ở Hội An bây giờ .
                                                 

Chưa có năm nào mà tôi gần như quên hẳn cái vụ Mồng năm như năm nay , mãi cho đến khi ba tôi điện thoại nhắc tôi mới nhớ ra ..." Trời đất ...vậy là ngày mai đã đến mồng 5 tháng 5 rồi ..." Hồi còn nhỏ cứ trông sáng trông chiều , trông ngày trông đêm mong cho mau đến ngày mồng 5 tháng 5 vậy mà bây giờ nó đến bên lưng rồi mà mình vẫn không hề biết nếu ba không nhắc ..." Nhưng cũng chẳng sao , mồng 5 không phải ngày Tết Nguyên Đán nên cũng không cần chuẩn bị gì nhiều ... Gia đình nhỏ của tôi thì dễ rồi nhưng còn những việc trên đầu trên cổ thì không thể bỏ qua được ...Ông bà tôi ngày xưa đã quen với cái tục lệ mồng 5 rồi , không có không được ...vì thế phải chuẩn bị ít bánh ú tro , ít trái cây về cúng ông bà hai bên gia đình mới được ...
                                                        
Còn nữa , để xem thử mấy chú thuỷ cầm ... có chú nào vừa với túi tiền thì cũng " cặp cặp " cho vui còn đắt quá thì thôi . Nghe nói hồi xưa dân Tây gọi ngày mồng 5 tháng 5 nầy là Tết cà na đủ biết cái chuyện " sát cà na " này đã có từ lâu lắm rồi , có lẽ cũng giống như họ ăn " rề vây dông " bằng thịt ngỗng vậy thôi ...Chỉ mới nghĩ tới đây thôi là nước bọt tôi đã bắt đầu ứa ra  và hình ảnh những chú vịt quay béo tròn , vàng rực và thơm phức ở góc đường Thái Phiên Phan châu Trinh cứ như lởn vởn trước mắt ...Đành rằng " tiết kiệm " là thượng sách nhưng " tiếc tiền " thì cũng chẳng phải là cái kế rễ sâu gốc vững gì ...cùng lắm thì giảm bớt tiền chợ một tuần lễ là đã có thể có một cái Mồng năm huy hoàng thôi chứ gì ...Đâu phải như thời thơ ấu xa lăng lắc ở miền quê nghèo Gò Nổi ...Dòng liên tưởng chợt đưa tôi về với những ngày Tết mồng 5 xa xưa và tự nhiên tôi nẩy ra cái ý nghĩ so sánh ...Thật lạ là hồi ấy ông bà nội tôi nghèo lắm nhưng sao cái Tết mồng 5 vẫn có một vẻ gì đó thật hay ho , thật thú vị , thật linh thiêng ...Bà nội tôi chỉ nấu một nồi xôi nếp mới , một nồi chè đậu đen với đường tán ...xong nội ra vườn dùng gậy gõ gõ mấy trái mít xem trái nào kêu bịch bịch là nội chặt xuống đem vào ...Chỉ chừng đó thôi mà cái Tết mồng 5 đối với tôi cũng đã trở thành một ngày trọng đại ...Cũng có thể là do những tập tục mà bây giờ có vẻ lạc hậu như việc nội sai tôi đi quanh vườn hái tất cả các thứ lá cây mỗi loại một ít đem vào cho nội chặt nhỏ , phơi khô rồi bỏ vào bao để dành nấu uống dần thay cho trà hoặc chè những ngày nội không đi chợ được ...cũng có thể xuất phát từ  những cử chỉ âu yếm của nội khi nội bảo tôi ra sân , nơi nội đã để sẵn thau nước dưới ánh mặt trời đúng ngọ và bảo tôi rửa mặt , nhìn mặt trời nháy đủ 7 lần để sau này mắt sáng ...Nội bảo : " Nội không bắt được thằn lằn , ngày mồng 5 thằn lằn nó trốn hết rồi ..." ... Bây giờ nội không còn nữa , tôi  biết vòi vĩnh với ai đây ...? 


                                                 
Có phải là một thiệt thòi không khi mấy đứa con tôi chỉ biết về ngày mồng 5 qua cuộc nhậu tưng bừng của nhà hàng xóm ...Tôi đã cố gắng bảo vệ và truyền đạt ý nghĩa của những phong tục tốt đẹp thủa xưa cho chúng bằng cách bảo chúng mang ít quà bánh về thắp hương ông bà  đã mất , thăm viếng ông bà còn sống nhưng liệu rằng chúng có hiểu được những gì tôi  đã hiểu và những gì tôi đang nghĩ ...Cuối cùng tôi đành chọn bữa cơm tối để nói về ý nghĩa của ngày mồng 5 mà tôi đã đọc được từ những tài liệu ...với hy vọng sẽ giúp chúng hiểu rõ hơn về những điều ngày xưa tôi rất yêu quý nhưng lại rất mù mờ ...: Tôi tạm chép đăng để các bạn đọc cho vui :

Thuyết thứ nhất :

Trong văn hoá Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

    Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.
    Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Ở vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam thì ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày "Vía Bà", thờ Linh sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen.( không rõ nguồn )
Ở Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày "nước quay", vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm.

Ngày này đúng là ngày Tết Việt Nam con Nguyên Đán là Tết Trung Quốc, mùng 5/5 cũng là ngày phô trương tình dân tộc bà con láng giềng không phân biệt tuổi tác, phẩm trật, vua tôi (ở Làng Phú lương chợ cầu, Quảng Điền, Thừa Thiên, Huế thời vua Quang Trung, lễ hôi, 5/5 có cho tài năng thanh niên, đấu võ, nấu cơm tre, nhảy sào, đua ghe. Và có Công nương làng đôi ném chiếc bông tai, nhẫn hay 1 trang sức xuống sông cho các chàng trai tìm, ai tìm được sẽ được thưởng hay lấy công nương đó làm vợ ! Tết này rất trân trọng dưới thời Tây Sơn vì "Thiên hạ đại tín" và "Huynh đệ chi Binh" bắt đầu từ đó! Tết Đoan Dương là của Tàu? Khác nghĩa nhưng trùng ngày vậy thôi ...

Thuyết thứ hai :

Vào một ngày sau vụ mùa nông dân chúng đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Thuyết thứ ba :

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được,lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh,lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên. Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày tết Đoan Ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.

Như vậy, theo hai truyền thuyết trên thì mùng 5 tháng 5 có nguồn gốc từ văn hoá Trung Hoa. Tuy nhiên, Việt nam đã có biến thể riêng của mình thành ngày "Tết giết sâu bọ", là một bằng chứng của hiện tượng "dân gian hóa" thoát ly ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa .
Ngoài ra , Hàn Quốc cũng coi ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ theo truyền thống văn hoá của họ. Chưa rõ tục lệ và nguồn gốc liên quan đến ngày mùng 5 tháng 5 của người Hàn Quốc như thế nào, nhưng trong bài báo "Đừng đối đãi với di sản văn hoá như bánh mì" đăng trên báo Tuổi Trẻ, trang 16, ngày 22 tháng 6 năm 2004, đã đưa tin:

    Hàn Quốc đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận tết Đoan ngọ vào ngày 5 tháng 5 là "di sản văn hoá phi vật thể" của Hàn Quốc. 



8 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Lâu quá không thấy bạn ghé . Cám ơn bạn đã chia sẻ . Chúc bạn luôn an lành ...

      Xóa
  2. Cháu chào Chú .Tranh thủ bửa nay cháu nghỉ chạy qua nhà Chú coi còn nghe được cái hương thơm của cáu bánh ú lá tre nào hong ,hì hì .
    Chú khoẻ không nè ? Đọc bài này của Chú làm cháu cũng thèm ăn cái bánh ú nước tro gói lá tre quá .cháu lại được biết thêm vài cái tích về ngày lễ tết đoan ngọ này .Cái tuyết thứ hai thì cháu được một người Thượng Hải kể cho nghe rồi ,và những cái tuyết khác thì tới nay cháu mới có dịp biết thêm .
    Hồi nhỏ cháu chỉ biết chờ ở nhà cúng xong là măm măm thôi ,giờ thì hiểu thêm vài chuyên quanh ngày lễ đó càng thú vị hơn .
    Dạo này cháu bận sửa và dọn nhà ,nên cháu ít có thời gian vào blog chơi .Cháu rất hay nhớ về Chú và bạn bè bloger trên net ,chờ quởn quởn cháu sẽ vào thong thả ngồi đọc bài của mọi người để tìm hiểu thêm .
    Cháu chúc Chú và gia ̣ình luôn vui ,khoẻ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui gặp lại cháu . Tưởng cháu quên ông chú lẩm cẩm này rồi chứ ...Thì ra cháu đang sửa và dọn nhà ...Bậy thật không biết làm sao gởi quà mừng tân gia cho cháu thôi thì chỉ biết chúc mừng cháu vui vẻ và may mắn , tân gia đại cát đại lợi . Có mâm xôi chè bánh ú mồng 5 chú dọn ở trên ...Cháu ăn hàm thụ cũng được nhé . Hi hi ...

      Xóa
  3. Qua chú cháu đọc mới biết chuyện về mùng 5/5. Thuyết nào cũng được, cũng làm phong phú thêm thui. May mà có những người lớn như chú kể lại cho tụi cháu nghe, chứ không là...mù tịt rồi.
    Chủ nhật cháu thăm chú chút cháu về. Chúc cô chú buôn may bán đắt, cả nhà mình khỏe mạnh, bình an chú nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cháu nhé . Chú hơi bận nên không viết bài mới được . Cứ bổn cũ soạn lại đừng trách chú nha . Cháu có ăn mồng 5 không mà sao không thấy nhắc nhở chi hết . Bữa nay mới qua nhà chú nên hết bánh trái rồi . Coi thử cháu Hương có để dành cháu cái nào không ..." Ăn cỗ đi trước , lội nước đi sau " Đi trễ thì phải chịu thôi ...Hi hi ...

      Xóa
    2. Cháu không coi lịch âm , tới sáng đi chợ thấy bánh nhiều bánh ú quá, hỏi người ta mới biết . Đúng là tuổi trẻ có nhiều cái ...lơ đãng vậy đó chú.
      Bánh ú lá tro đó, chú có tin hông, cháu vừa ngồi tám, chú mà không để ý, cháu đẩy một phát hết nguyên chùm 10 cái luôn đó. Cháu thích ăn bánh này mà. hì hì

      Xóa
    3. Cháu tôi lại lầm rồi , cháu Hương cũng vậy . Người ta gọi là bánh ú tro chứ không phải bánh ú tro lá tre hay bánh ú lá tro bởi vì nguyên liệu chính là nước vôi tro và nếp được ủ bằng nước tro này , còn lá dùng để gói là lá đót đã được luộc kỹ . Đây là món ăn phát xuất từ Hội An , có thể gọi là đặc sản Hội An cũng được ...Hiện nay thì cũng có nhiều nơi làm nhưng không nơi nào ngon bằng Hội An , bánh ở Đại Lộc Quảng nam cũng tàm tạm thôi ...Dân Hội An không sống bằng nghề này nhưng hằng năm cứ vào dịp mồng 5 là nhiều nhà lại tập trung làm bánh ú tro để cung cấp cho thị trường ...Gọi là mùa nhưng họ chỉ hoạt động chừng 1 tuần lễ rồi thôi ...Tập quán này kể cũng hay cháu nhỉ .
      Con chú năm nào cũng đòi chú mua bánh ú tro nên nếu cháu ra ĐN dịp mồng 5 thì chắc không lo thiếu . Lần sau chú mua luôn 100 để cháu với cháu Hương khỏi giành lộn nghen ..Hi hi ...

      Xóa