Translate

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

VỚI ANH HOÀNG BÍCH SƠN ....Tôn Thất Lan


Nguồn : motthoipct 6673 .

                                                 
 

Tôi và Thầy Hoàng Bích Sơn gặp nhau là chuyện đương nhiên, lẽ thông thường của trời và đất và người. Chúng tôi đều say mê âm nhạc, tuy sở thích chuyên biệt khác nhau. Thầy Sơn chuyên nghiên cứu, lý luận; tôi chỉ thực hành, sáng tác. Nhưng trong số những bài viết của Thầy Sơn có một bài thật hay để nhớ đời. Đó là hành khúc Phan Châu Trinh.
Khi vừa được bổ nhiệm về trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, tôi được gặp gỡ với nhiều thầy cô đang dạy ở đây, trong đó có thầy Hoàng Bích Sơn. Tôi được giới thiệu ngay sáng tác này và “kết” ngay. Và tôi là người hát nhiều hơn (và hay hơn) thầy Sơn (xin lỗi thầy!). Tôi tập cho học sinh hát và điều khiển một lớp trình bày bài hát vào buổi chào cờ sáng thứ hai. Về sau tôi truyền lại cho học sinh Phú Chí Phát điều khiển và tôi đệm theo bằng kèn trompethe. Nghe và thấy cũng được lắm. Theo tôi, bài đoàn ca này rất hay, rất thích hợp, hội đủ các yếu tố cần thiết cho một bài đoàn ca. Bài hát là một nhắc nhở về tầm cỡ, tiếng tăm của nhân vật trường mang tên, nhịp điệu hành khúc đầy sức lôi cuốn hào hứng tạo hứng khởi, kiêu hãnh cho học sinh. Bài ca không quá ngắn, mang tính gượng gạo mà tròn đầy trước sau “Là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết tiến bước theo chân người giữ vững nhân quyền…”. Bài ca đã thuyết phục được người nghe, truyền đạt được ý chí tự cường đến thanh niên nhiều thế hệ.
Cho đến bây giờ, nhất là ở Sài Gòn, nơi tôi đang sinh sống, trong những buổi họp mặt, thầy cô và học sinh (cũ) trường Phan Châu Trinh đều say sưa hào hứng “Phan Châu Trinh người chiến sĩ quốc gia…”.
Tôi về trường Phan Châu Trinh năm 1961, lúc tôi mới 21 tuổi, mỗi khi đến Tết, tôi tham gia buổi văn nghệ tất niên của trường cùng với thầy giáo đa tài Trần Đình Hoàn, có bút danh Trần Nhất Hoan (mà có người đọc lại là Hoan – Nhất Trường!). Thầy Hoan tập cho ban đồng ca của trường một trường ca của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tôi thì tập trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Ngoài ra tôi còn có màn độc tấu mandolin bài Espoirs Perdus (Hết hy vọng), rất được hoan nghênh, phần lớn do có loa đàn khuyết đại âm thanh do thầy Sơn giới thiệu và cho mượn. Thế mà sau khi được hoan hô, bước xuống sân khấu tôi đã quên cái “loa đầy ân sủng này”. Hôm sau, thầy Sơn gặp tôi tại hành lang, thầy cầm cái loa và nói: “Đàn xong rồi vứt loa đâu chẳng biết. Không có tôi là mất rồi nghe!”. Tôi giật mình và rối rít xin lỗi. Thầy Sơn vẫn cười.
Khi được giới thiệu với thầy Sơn, tôi liền có sẵn ý đồ: học thêm về Nhạc. Sau đó tôi ngỏ lời, và thầy Sơn nghiêm nhiên trở thành “sư phụ” của tôi. Tôi vẫn quan niệm trong nghệ thuật, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, của bậc đàn anh vẫn hay hơn, thiết thực hơn đường lối sách vở. Và sau đó, sư phụ đã tận tình chỉ vẻ tôi những cách thức, kỹ năng viết một ca khúc về nhiều loại.
Sau giải phóng, anh Sơn không đi dạy nữa và thành nghệ sĩ lang bait. Chế xà phòng, làm ray trồng sắn. Có lần tôi đã gặp anh Sơn đạp xe từ rẫy sắn về Đà Nẵng chở theo một bao sắn khoảng 8 đến 10 củ! Ít thôi mà chất lượng! Anh Hoàng Bích Sơn là thế đấy, có tài, biết rộng, luôn tìm hiểu, nghiên cứu nhưng sống thầm lặng, dè chừng và thiết thực điều độ cho dù gặp phải điều không may trong cuộc đời. Chắc anh Hoàng Bích Sơn quan niệm cái gì rồi cũng thế, cũng chỉ là một giấc mơ – mơ vàng, mơ bạc hay mơ chì thì cũng vậy, tùy mức độ thụ hưởng của từng người – cũng như chiếc xe gắn máy của anh, trước sau chạy hay dừng chỉ một số mà thôi. Xe vẫn giữ nguyên số đó, départ bằng cách, người sử dụng đạp nổ, xe vọt lên, rồi cũng số đó chạy nhanh hay chậm “tùy tay ga”, và rồi cũng số đó, xe đứng lại khi người sử dụng nhấn thắng, hết chạy, dù xe Honda của thầy cũng có 4 số bình thường!
Tôi vẫn nhớ đến anh Sơn bằng mối “thâm tình” đó, chân tình và thầm lặng. Và chắc rằng anh Sơn nhớ đến tôi cũng bằng thâm tình đó – thầm lặng chân tình.
Tôn Thất Lan
Giáo sư Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng (1961-1975)

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

GHI CHÉP VỀ NHỮNG NGÀY TẾT MUỘN ...

                                               


Đáng lẽ tôi đã kết thúc cái chương trình ăn Tết năm nay kể từ lúc nghe tiếng vó ngựa Giáp Ngọ khua móng trên đường phố hôm mồng 6 ...  thế nhưng cho đến nay  đã gần cuối tháng giêng rồi mà cái mùi Tết ở nhà tôi vẫn còn chưa tan hẳn ...Tâm trạng của tôi mấy hôm nay có phần khá tốt một phần nhờ không khí lạnh đã giảm  để nhường chỗ cho ánh nắng xuân dìu dịu , một phần khác có lẽ là nhờ sức khỏe của má tôi có phần khá hơn  nhiều  so với những hôm trời lạnh ...nhưng nếu chỉ có thế thì cũng chẳng liên quan gì đến chuyện Tết ...Điều khiến tôi cho rằng mình vẫn còn đang ăn Tết chính là nhờ ở chỗ mấy ông bạn đã mang không khí Tết đến nhà tôi mấy ngày gần đây ...Mấy chậu hoa ly đã hoàn tất cái nhiệm vụ " màu mè hương sắc " trong ba ngày Tết  và ra an vị tại cái hoa viên mini phía sau nhà , bánh mứt ,hạt dưa cũng đã cạn nhưng may mắn là tôi vẫn còn một ít trà ngon nhãn hiệu "của để dành " vốn chỉ dùng đãi thượng khách nên cũng có phần yên tâm ...Đành rằng mấy ông bạn tôi khi " quang lâm hàn xá " đều không bận tâm gì chuyện " trà ôi rượu nhạt " nhưng trách nhiệm của chủ nhà thì tôi cũng phải lo chu toàn để dù không đạt được cái danh hiêu " vui lòng khách đến vừa lòng khách đi " thì cũng không đến nổi bị bạn bè chê là cái lão Thông không hiếu khách .
Nói đến chuyện rượu bia tôi mới nhận ra  rằng thì ra tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái chuyện ở công ty một người bạn tôi hôm trước Tết hai hôm ...Bạn tôi bảo : " Cho đến bây giờ tau vẫn còn thảng thốt vì cái chết đột ngột của C. Tau nhớ rõ ở buổi tiệc tất niên hôm ấy C. có vẻ rất vui vì trong năm vừa qua  đã trả xong tất cả số nợ đã vay mượn khi làm nhà hồi đầu năm ...C. là một trong những kỹ sư  giỏi ở công trường nên cuối năm được thưởng cũng tương đối  ...Anh dự định sau khi tan tiệc sẽ chạy thẳng về quê để kịp đưa tiền cho vợ ngày hôm sau đi sắm Tết ...Thế mà chỉ sau đó ba tiếng đồng hồ tau nhận được điện thoại của cơ quan bảo chiều hôm sau đi đám tang anh ta ...Hình như hơi phấn khích và nôn nóng về nhà , lại có chút men nên C. đã tự gây tai nạn trên đường về ...Cái chết đến bất  ngờ  trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết đã làm tăng thêm tính bi thảm của sự việc ...Tiếng khóc của người vợ và 2 đứa con nhỏ lại càng khiến tau thấy đau xót ...Tau đã suy nghĩ mãi về cái phi lý của kiếp sống ...C. là một trong những con người lương thiện mà tau được biết ... tại sao anh ấy lại nhận lấy một kết cục đáng thương như vậy  trong khi biết bao kẻ chẳng ra gì vẫn cứ sống nhởn nhơ ..."
Tôi đã không thể trả lời câu hỏi của bạn tôi bởi vì từ lâu rồi tôi đã nhận ra rằng những cái phi lý ấy luôn tồn tại trong kiếp sống con người ...Một trăm năm , một ngàn năm , một vạn năm hay hơn thế nữa thì những điều tương tự vẫn có thể xảy ra ...Điều quan trọng là mỗi chúng ta sẽ lĩnh hội được điều gì từ những điều mình đã làm , đã nghe , đã nói , đã nhìn thấy từ cuộc sống này . Lòng trắc ẩn của bạn tôi trước sự việc là một điều không thể tránh khỏi ...bởi vì ngay đến tôi , một kẻ hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện mà tôi cũng cảm thấy bàng hoàng ...Thế nhưng liệu chúng tôi có thể làm gì được cho người đã mất  hay cho vợ con anh ta ...những người trực tiếp nhận chịu hậu quả của tai biến ấy ...Tôi biết rằng dù có gian khó , dù có khổ đau vì những mất mát thì rồi họ cũng sẽ phải vượt qua ...bởi vì không thể không vượt qua ...Những sự hỗ trợ , động viên giúp đỡ của bạn bè , đồng nghiệp , của người thân ...có thể sẽ làm cho họ cảm thấy cái gánh nặng cuộc sống còn lại bớt nặng đi một chút nhưng gánh nặng vẫn còn đó và tự họ phải gánh ...
Và chúng tôi ? chúng tôi cũng phải gánh những gánh nặng của chính mình ...không ai khác ...
Sự xuất hiện của K. sau tiếng gõ cửa đã đưa tôi ra khỏi những suy nghĩ u ám ...
K. cười nhẹ khi bước vào : " --- Thấy cửa đóng , tưởng cậu không có ở nhà ... Thế nào ? Bữa nay còn chúc Tết được không ?
Tôi đáp : " Ồ được chứ , vẫn còn tháng giêng mà ...Hôm qua H. cũng mới đến thăm mình ...tụi mình trò chuyện  khá lâu  ...còn cậu ...đi đâu mà mất biệt vậy ...nhà cửa sửa xong chưa ? 
-- " Xong rồi ...nhưng có nhiều việc lu bu phát sinh nên không ghé cậu được ...Mấy lần trước gọi điện định ghé cậu nhưng rồi lại bận ...mãi đến hôm nay mới thu xếp được ....Hồi chưa nghỉ hưu mình cứ tưởng lúc nghỉ rồi sẽ ghé cậu thường hơn nhưng bây giờ ngay đến việc chăm sóc mấy cây hoa ở nhà mình cũng phải giao cho bà xã ...Cuộc đời  luôn có những điều không như dự tính ...
-- " Điều đó thì hiển nhiên rồi ....đâu phải việc gì cũng thuận theo ý muốn ...có vẻ như cậu đang buồn về chuyện gì đó phải không ? Đợi mình pha bình trà rồi kể mình nghe ...Có hộp trà Ô long đứa cháu mới cho ...Mình uống thấy cũng được lắm ...
K. mỉm cười : " Cậu cho chi mình uống nấy ...nước sôi để nguội cũng được ..." 
Tôi cũng cười : " Cậu yên tâm ...gì chứ món đó thì nếu lần sau cậu ghé chắc cậu sẽ toại nguyện bởi vì hộp trà này giỏi lắm chỉ pha được chừng dăm bình nữa thôi ....
Câu chuyện kế tiếp của chúng tôi là những chuyện riêng tư nên tôi không ghi ở đây làm gì ...tôi chỉ cảm thấy  rằng sau khi trò chuyện bạn tôi đã có phần  dễ chịu hơn nên chủ động rủ tôi ghé thăm bạn HD nhưng tiếc rằng bạn HD đã về quê ... vì thế chúng tôi đã ghé vào một quán cà phê bên đường ...Điều tôi cảm nhận được sau khi chúng tôi chia tay nhau đó chính là cái siết tay rất chặt của bạn tôi như muốn nói với tôi rằng chỉ cần biết lắng nghe và chia sẻ thì điều đó cũng đã đủ cho một tình bạn chân chính ...Mỗi người trong chúng ta ai cũng có những giây phút yếu lòng hay chán nản ...và đó chính là lúc mà một người bạn thật sự mới chính là điều cần thiết ...Cảm thấy vui vui với ý nghĩ này ,tôi tự nhủ : " Năm nay là năm con Ngựa ...không biết có phải do ngựa chạy nước kiệu hay sao mà cho đến bây giờ mình cũng vẫn còn được ăn Tết muộn ...Người ta bảo Mã đáo thành công ...chắc là người ta đều muốn ngựa phi nước đại ...còn mình ...mà thôi ...dù sao thì nước kiệu cũng vẫn an toàn hơn ...."

                                                    
 


Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

ĐÙA VỚI BẠN ...

                                       
                     

1.-- Nếu bảo đời là mộng ảo thôi ,
Sao ta muôn thuở vẫn yêu người .
Tình yêu hun đốt hồn như lửa .
Cháy tự trần gian đến cõi Trời ...???:)



2.-- Hoa vàng mấy nụ 
Anh hái tặng nàng .
Mộng đầu dang dở .
Anh về đi hoang .

Qua vườn hoa nở 
Lòng buồn mênh mang .
Mơ hồ bổng nhớ 
Chốn xưa Thiên Đàng . ..

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

LỖI HẸN .


Bạn nhắn tin : " Mình hủy chuyến bay .
Nơi đây ...bão tuyết suốt đêm ngày ..."
Quê hương nắng ấm ...sao lòng lạnh .
Không rượu  mà hồn ta choáng say .

Ngày cứ từng ngày lặng lẽ trôi .
Mùa xuân : ... sắp hết tháng giêng rồi .
Vài cành mai muộn đua nhau nở .
Như sợ xuân tàn , lỡ cuộc chơi .

" Buồn nhỉ ! thôi đành hẹn bữa sau ..."
Đường xa ...tình nghĩa có xa đâu .
Một mình , nâng chén trà hương cúc .
Ta chúc ...trời êm ...để gặp nhau .

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

VUI MỘT CHÚT ...( nói mà không nói )

                                                  

                    
Trong hình là thuở thanh xuân ,
Ngoài đời là thuở ...lục tuần cộng ba .
Cũng mình ...nhưng lại rất xa ,
Xưa non trẻ quá , nay già như ri ...
Tháng ngày đến đến ...đi đi ,
Năm mười năm nữa ...còn gì mà khoe ...? 



Sáng qua ngồi với Binh Phan
Trên Molly ...tưởng Thiên Đàng mới xây .
Vội vàng lấy máy chụp ngay ,
Tấm hình phong cảnh ...tiếc thay ...không người ...


Thúy Nguyễn 

Hôm nay ngồi tít trên cao !
Ngăm sông ngăm nươc ? Ngăm chăng cô nào ?

Thông Trương 

Học trò ở tận bên Tây ,
Về thăm quê cũ , thăm thầy , thăm cô .
Thầy Bình không muốn Solo 
Cho nên hẹn gặp ...cùng vô ...nhà hàng .
Điểm tâm một cuộc rình rang ,
Có thua chi cảnh Niết Bàn , Bồng lai ...

Thúy Nguyễn 

Trò Tây cũng khác Trò Ta
Vài hôm nhớ tiêp - Cô Trò ngang hông !

Thông Trương 

Thôi đừng kiện tụng làm chi ,
Cà phê cũng chẳng khác gì nhau đâu ...
Ngồi cao thì giá cũng cao ,
Hông quầy tuy thấp ...ít đau ví tiền .
Vui vì trò chuyện huyên thiên ,
Đâu vui vì chỗ ngồi Tiên hay Trần ...Hi hi 

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

VALENTINE

                                                    


Nghe tin chậu hoa hồng do bạn Bách mang từ Đà Lạt xuống tặng bạn Tư đã trổ hoa ngày hôm nay nên mình viết tặng bạn Tư mấy câu cho vui ...Nhân tiện cũng xin chúc cho những đôi lứa đang yêu nhau bất luận trẻ già một ngày Valentine vui tươi hạnh phúc .

Valentine ... một nụ hồng ,
Chúc mừng ông bạn thỏa lòng ...nâng niu .
Ngày mai : ngày lễ Tình yêu ,
Hoa thương ...hoa cũng muốn chìu người chăm .
Hoa hồng với ánh trăng rằm ,
Tình yêu ...hạnh phúc ...trăm năm vững bền .


  




  Ảnh này ngày xửa ngày xưa ,
Bây giờ xem lại thấy chưa ...già đều .
Hôm nay ngày lễ Tình yêu ,
Đem người so ảnh , người ...nhiều tuổi hơn . Hi hi ...

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

HỒN QUÊ 2

                                     

1.-- Thương sao chốn ấy : quê nhà ,
Bình yên quá ...phải chăng là cảnh tiên ?
Lắng lòng ...nghe cả vô biên ,
Cuối miền mộng mị là miền ưu tư ....

2.-- Quê hương ...mỗi bước một xa ,
Sông đời là những phong ba trùng trùng .
Lối về chỉ thấy rêu phong ,
Mùa xuân ...vắng nụ hoa hồng ngày xưa .

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

TÌNH XUÂN


Sáng nay ...chủ nhật trực quầy :
Phố không nhộn nhịp như ngày ba mươi .
Bên lề ngồi ngắm cõi người ,
Nghe như dư vị cuộc chơi chưa tàn .
Trời xanh , mây trắng , nắng vàng ,
Đó đây còn  chút  mơ màng ...tình Xuân .
Trên đường ...vang tiếng bước chân ,
Nàng Xuân lưu luyến ... cuộc trần đông vui
Cây khô nay cũng đâm chồi ,
Mừng  CHÂN ...THIỆN ... MỸ sinh sôi nẩy mầm .


Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

GẶP BẠN ĐẦU NĂM ...


1.-- Đầu năm ...gặp bạn đồng môn ,
Tiếng chào thay pháo ... nổ giòn mừng Xuân .
Tưởng là tài tử , giai nhân ,
Ai ngờ ....mấy lão già gân ...hẹn hò .
Cười cười , nói nói ...nhi nhô ,
Như đang giữa tuổi học trò ...chờ thi :
Thời gian đâu có nghĩa gì ,
Nắng xuân ...rực rỡ ...cũng vì tình thân .

2.-- Phông màn : một kệ sách xôn ,
Vậy mà chủ khách cười dòn ...vui ghê .
Trăm năm : một cõi đi về ,
Có ta với bạn ...hề hề ....ha ha ...


 




Thúy Nguyễn

 Ra thăm Thầy đã bao lần 

Mà chưa có ảnh khoe cùng bạn face....


Thông Trương 

Lo chi quả đất này tròn ,

Còn kỳ gặp gỡ thì còn " phô tô " 


Thúy Nguyễn

 Lần này nhớ chộp vài pô

Trình làng vài kiểu pô pô đở bùôn ....

 


  • Thông Trương 

    " Túp lều lý tưởng " đây chăng ?
    Một nhà sách cũ : nhện giăng ...bắt ruồi . 

    Thúy Nguyễn 

    Ui ui ...ruồi có bu nhùi
    Thầy khg đành đuổi mà bân vô nhà

    Thông Trương 

    Nói là nói vậy cho vui ,
    Sách không dầu mỡ nên ...ruồi cũng chê ...Hê hê ...

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

MỘT THOÁNG NHỚ VỀ TẾT XƯA . ( Trần cảnh Thuận )

                                                               
                                                           


Tiểu dẫn : Đây là một email mà bạn TCT đã gởi cho tôi cách đây hơn nửa tháng nhưng mãi đến hôm nay tôi mới đọc được vì không hề thấy Gmail thông báo có thư mới ...Được bạn Thuận đồng ý nên tôi post lên đây để các bạn đọc thêm , như một lời tâm sự của một người con xa xứ luôn hướng lòng về đất mẹ thân yêu . Thành thật cám ơn bạn Thuận .

Thông ơi,
Cảm ơn những vần thơ bạn viết tặng đăng trên bờ lốc của bạn. Bánh ít đi thì bánh quy lại, để thay cho lời chúc tết đầu năm, tôi thân gởi đến bạn bài viết "Một thoáng nhớ về Tết xưa" để đọc cho vui và một vài video clips ngắn mà tôi đã thâu trong dịp vui xuân tại nhà ở xứ người. Hope you'll enjoy it.

-----------------------------------------------------------
Một thoáng nhớ về Tết xưa


Chỉ còn vài tuần nữa là Tết Giáp Ngọ. Charlotte năm nay thời tiết thật lạ, mưa nhiều và có những ngày trời chỉ se lạnh làm tôi nhớ đến cái tiết trời mưa phùn bay bay lành lạnh trên thành phố Đà Nẵng ngày xưa vào những ngày cận tết. Tết có lẽ vui nhất là những ngày giáp tết, từ giữa tháng chạp vào những ngày nắng ráo, mẹ tôi phơi vài rổ hành kiệu ớt tươi xen lẫn cà rốt đu đủ củ cải tỉa đủ hình dạng, gần ngày tết  mẹ bỏ các vật liệu vào vài cái thẩu và chế nước mắm đường vào để làm dưa món. Ba tôi và đám con trai sơn lại những cánh cửa sổ, cửa lớn, chùi và đánh bóng những bộ lư đồng và chân đèn, lau chùi quét dọn bàn thờ. Ba thuê người quét vôi lại toàn bộ căn nhà. Vườn nhà tôi ba đã trồng đủ loại hoa, vạn thọ, cúc, thượt dược, hồng, v.v… những cây mai được tướt hết lá khoảng hơn 1 tháng trước tết để canh cho nở hoa đúng vào ngày mồng một tết. Rạng sáng ngày 23 tháng chạp mẹ tất bật đi chợ sắm lễ để ba tôi cúng đưa Ông Táo về trời. Mâm cơm cúng ông Táo được đặt dưới bếp và năm nào cũng phải có món cá chép kho. Sáng 29 tết cả nhà lại nhộn nhịp chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét, mẹ lo ngâm nếp, ngâm đậu xanh đãi vỏ, thịt heo ba rọi được mẹ thái từng lát dày và ướp với tiêu, hành, muối. Tôi thường phụ ba tôi gói bánh và nấu bánh. Tiết trời cuối năm có những đêm rất lạnh, ngồi bên bếp than hồng suốt đêm để châm thêm củi nấu bánh là một cái thú, nhất là bên cạnh có người bạn gái cùng tôi canh nồi bánh chưng, ôi làm sao mà quên được!  Ngoài ra ba mẹ còn làm đủ loại bánh và mứt. Ba đặt những khuôn gổ để đúc bánh dẻo, bánh đậu xanh, mẹ thì làm đủ loại mứt như mứt gừng, mức dừa, mứt bí đao, mứt khoai, v.v… rồi đến màn làm bánh tổ, bánh thuẩn, bánh ít nhân đậu.

Anh em chúng tôi thế nào cũng được me sắm cho ít nhất một bộ đồ mới để đón xuân. Bắt đầu từ sáng ngày mồng một chúng tôi súng xính trong bộ đồ mới chuẩn bị chúc tết ba mẹ, sau đó đi đến nhà ông bà và họ hàng để chúc tết và nhận tiền “lì xì”, đây là dịp để tôi kiếm tiền xài lai rai cho đến ra giêng. Có một vài truyền thuyết khác nhau về phong tục “lì xì” ngày tết, tôi đọc được một truyền thuyết là lạ xin trích đăng để các bạn đọc cho vui:
Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thế nào? Chúng tôi lân la "tầm nguyên" qua các nhà nghiên cứu, hỏi trực tiếp bằng miệng có, giở sách vở các vị có, thấy giải thích hai chữ "lì xì" tựu trung là "tiền mừng tuổi".
Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Theo một số người thì tục mừng tuổi vẫn cứ nên giữ. Nhà nghiên cứu Thông Hội bảo: "Đó là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới, đẹp như cổ tích". Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, cứ nên lì xì "miễn là đừng lì xì tiền đô cho trẻ, không đúng chỗ, mà tập hư cho chúng ăn xài". Nhà nghiên cứu Cao Sơn giải thích: - Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.
Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy... hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết "thơm thảo" với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có... chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để "làm quà" mừng tuổi như chuyện dưới đây.
Xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: Phước - Lộc - Thọ. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì, Lộc là gì, Thọ là gì... Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách "lì xì" bằng chữ để ba đứa "Phước Lộc Thọ" đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát.  
Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta quên những điều tốt đẹp, những ban phát ngọt ngào, rộng lượng mà mình đã làm ở tiền kiếp, vì vậy một mực thâu góp vàng ngọc về riêng mình, trong kiếp này, bỏ vào chiếc hũ, đem chôn ở một vị trí bí mật trong nhà không cho ai hay. Ngay cả con trai của ông cũng không được biết nơi cất giấu. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được "sống" lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Hễ người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con: "Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?". "Dạ thưa không". "Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Ấy là vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên". Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Bị rung động vì việc này, người con tỉnh ngộ, từ chối sở hữu số vàng, rời nhà theo vị đại sư lên núi, về sau trở thành một trong những vị tổ đầu tiên của lịch sử Thiền tông. Vị này tỉnh ngộ rằng: nếu làm phước, được phước mà thiếu huệ tức trí huệ sẽ trở nên nguy hiểm ngu si như con chó kia vậy. Được phước, thiếu huệ, thì như nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ đau, thiếu thốn, phiền bực. Kể xong, vị thần bảo: "Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem". Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa.
Để trang hoàng nhà cửa và để đón Xuân phong tục treo "câu đối " được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Ngày nay đa số “câu đối” được viết bằng chữ Quốc Ngữ, hai câu đối Tết sau, xuất hiện nhiều trong văn chương nên được nhiều người biết đến:

"Tân niên hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai"

Tết cũng là đề tài cho nhiều văn nhân, thi sĩ. Khi tôi còn là một cậu học sinh tiểu học, thầy bắt phải học thuộc lòng bài thơ “Ông Đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên:

" Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn khơng thắm
Mực động trong nghiêng sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?"
VÐL

Tết, và các tục lệ còn được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam:

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè

Tôi vẫn còn nhớ như in hồi còn nhỏ những lần theo nội về quê ở Điện Bàn, Quảng Nam ăn tết, căn nhà thờ gia tộc năm nào cũng cho dựng một cây nêu bằng cây tre cao thật là cao. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 m, ở ngọn thường được treo và trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa. Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà, ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu". 

Cây nêu
  

Cây nêu ngày Tết ở nông thôn Việt Nam.
Ôi! thời gian như bóng câu qua cửa, nhưng kỷ niệm đã khắc sâu vào ký ức không bao giờ phai nhòa, biết nói bao nhiêu cho đủ để quên đi nỗi nhớ hương vị quê nhà trong ba ngày tết… thôi thì chỉ biết viết lại đôi dòng để nhắc lại chút ít chuyện xưa. Xin thân chúc tất cả các bằng hữu của tôi cùng quý quyến một năm mới sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, đầm ấm và hạnh phúc.
TCT
Charlotte,  Xuân Giáp Ngọ
Ghi chú:  Những phần chữ nghiêng được tìm thấy trên internet, không rỏ tên tác giả.

Regards,

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

HẾT TẾT ...


Vậy là xong ..., Tết đã qua ,
Nghỉ thêm một bữa ...rồi ra mở hàng .
Xin chào chú Ngựa hiên ngang ,
Đường dài : vượt suối băng ngàn ... kể chi .
Đèo cao , núi thẳm sá gì ,
Cứ tung cao vó mà phi ...với đời .
Kiếp sau nếu có làm người ,
Mong rằng ngựa sẽ rong chơi ...quên già ...Ha ha ...

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

CHUYỆN VUI ĐẦU NĂM

                                                                         
Sáng mồng 3 , trong lúc tôi đang ngồi vọc máy tính ở trang FB ...Thấy có mặt mấy ông bạn trên web nên vội vã diện áo xống , định " xuất kỳ bất ý , công kỳ vô bị " ghé thăm mấy bác ấy cho chắc ăn ...Bởi vì mấy năm trước có nhiều lần tôi đi chúc Tết đã gặp phải cảnh " vườn không nhà trống " rồi ...Ai ngờ vừa khoác chiếc veston đời 197...cùng thời với cúp cánh én lên người thì đã nghe có tiếng gõ cửa rồi tiếng con tôi vang lên : " Ba ơi ! Ba có khách " ...Hóa ra tôi đã nhanh mà ông bạn Bình Phan của tôi còn nhanh hơn nên chúng tôi đã " chộ " nhau ngay tại nhà tôi ...
Chuyện bắt tay chào hỏi thì cũng bình thường vì chúng tôi đâu phải chỉ gặp nhau trong ngày Tết lại càng không phải chúng tôi chỉ tử tế với nhau trong 3 ngày Tết ...vì thế tôi không kể làm gì ...Chỉ có 2 chi tiết mà tôi thấy khá thú vị nên ghi lại đây như một chuyện vui đầu năm :
Việc thứ nhất là tôi cảm thấy mừng cho ông bạn tôi đã có được một món quà Tết ý nghĩa do 2 đứa con trai bạn ấy kính tặng ...Một chiếc điện thoại Sam Sung đời mới màn hình cảm ứng rất lớn có đầy đủ các chức năng của một điện thoai thông minh : Wifi , 3G , video call để bạn tôi có thể sử dụng FB  ở mọi nơi , mọi lúc ...Theo ý riêng của tôi thì trong thời buổi nhiễu nhương này việc 2 đứa con hùn nhau mua một món quà tặng ba với mục đích để cho " cụ thân sinh"  có thể sử dụng theo sở thích , sở nguyện ...quả thật là một điều đáng quý ...Đó chính là một cách Hiếu mặc dù điều này không nghe " Khổng Tử viết ..." 
Bên cạnh việc " nhiệt liệt chúc mừng " ông bạn tôi , tôi cũng có ý muốn nhắc các bạn khác rằng kể từ nay các bạn có thể yên tâm " quậy " ông bạn tôi bất cứ lúc nào các bạn thích mà không sợ nghe câu  : " Cuộc gọi vừa rồi không thực hiện được ...xin quý vị vui lòng gọi lại sau ..."
Việc thứ nhì mới chính là chuyện vui vì có thêm sự xuất hiện của một nhân vật nữ ...Thông thường thì trong mọi cuộc trò chuyện hay hội họp , các nhân vật nữ luôn là nhân vật trung tâm ...Trong câu chuyện này cũng vậy ...nhưng điều đáng nói ở chỗ mặc dù cuộc đàm thoại tay ba của chúng tôi được sự " tận tình giúp đỡ " của chiếc điện thoại thông minh và chiếc loa ngoài rõ to vậy mà vẫn có một sự cố nho nhỏ khiến chúng tôi vô cùng bối rối vì thế tôi phải dùng chiếc điện thoại cùi bắp của tôi , nhờ con gái tôi chụp một tấm hình để làm bằng chứng mà tôi sẽ chèn vào dưới bài này  nhằm chứng tỏ với cô bạn " Kẻ ở miền xa " rằng chúng tôi không hề nói dối ...Chúng tôi thuần túy chỉ uống nước trà và vài cọng mứt dẻo để đàm đạo với nhau nhưng vẫn cười hơi lớn chứ không phải đang " nhậu " với hai cái " lẩu " trước mặt ...Điều hiểu lầm không rõ xuất phát từ tai nghe của chiếc điện thoại cô bạn chúng tôi đang dùng hay do giọng nói địa phương khi Bình Phan trả lời câu hỏi của cô bạn : " Chà , vui nhỉ ! Các anh đang làm gì và ở đâu ? " 
--" Hai " lão " đang ở nhà Thông đây ." 
Cô bạn ngạc nhiên : " Ồ , trời ngoài ấy bây giờ lạnh lắm sao mà mới buổi sáng hai người đã phải dùng đến hai cái " lẩu " ...Trời SG chỉ hơi lạnh thôi ..."
Chúng tôi giật mình ...Thì ra cô bạn chúng tôi đinh ninh rằng chúng tôi đang " nhậu tới bến " với mồi nhậu là 2 nồi " lẩu " đưa cay ...Báo hại chúng tôi phải vội vã phân bua nào là : Hiện giờ trời Đà nẵng rất đẹp , nắng vàng rực rỡ , nào là nhiệt độ chỉ từ 25 đến 26 độ ...nào là cả hai chúng tôi đều không có ai bà con với ông Lưu Linh  nào đó ở bên Tàu ...Chắc rằng cô bạn của chúng tôi đã hiểu nên không thấy  quở trách gì thêm nhưng dù sao tôi thấy cũng cần phải kể lại các bạn nghe để " rút kinh nghiệm "  ...và nếu thấy thú vị thì các bạn cũng cùng cười với chúng tôi một chút để lấy hên đầu năm ....Ha ha ..Hi hi ...

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

TỐC KÝ TẾT .


Mồng 1 ghé nội ngoại ..
Mồng 2 cứ nằm nhà .
Uống trà xem hoa nở ...
Đợi sang ngày mồng 3 ....



Đời mỗi năm mỗi Tết ,
Người mỗi ngày một già .
Lo làm chi cho mệt .
Cứ  ngồi cười ha ha ....


LỜI CHÚC MỒNG HAI TẾT .


VẠN việc an hòa , vạn nẻo thông .
SỰ lành xuôi chảy mãi như sông .
NHƯ trong tâm niệm hằng ao ước .
Ý THIỆN ,  CHÂN tình ... giữ MỸ tâm .