Translate

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

CẢM ĐỀ TỪ TRANH VẼ CỦA THIỀN ĐĂNG .


                             Ảnh chép từ FB của bạn Thiền Đăng Nguyễn Đăng Hòa .


   CT phụ đề : 

1.-- Việc đời : có có , không không ,
Danh danh , lợi lợi ... một sòng đỏ đen .
Chẳng màng vào cuộc bon chen ,
Đỉnh cao một bóng ...làm tiên cõi người .
Trăng treo giữa núi , giữa trời ,
Người ...treo trên một cuộc chơi ...vô cùng .

 


2.--  Hôm qua trên núi tọa thiền 
Hạ sơn ...để thấy nàng tiên tuyệt trần .
Ải nào bằng ải mỹ nhân ?

Muốn qua ...cũng phải vạn lần tương tư .
Biết đâu là thực ...là hư ,
Bờ bên kia ...chắc cũng  như bên này .....!!!


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

ĐÓA HOA KỲ DIỆU .

                                                


Gần như đã trở thành thông lệ , mấy năm nay cứ đến ngày 20 tháng 11 là tôi lại muốn viết một cái gì đó để cho mấy ông bạn nhà giáo của tôi biết rằng tuy không nói ra nhưng tôi vẫn luôn nghĩ đến họ . Ròng rã  hai ngày đường ...mòn hết mấy đôi giày vẽ , tôi đã lùng khắp các chợ hoa ...trên mạng ,  nhưng vẫn chưa tìm được bó nào vừa ý bởi vì trong khi tôi đang ngắm tới nghía lui chưa kịp cốp và dán thì đã thấy nó nằm chình ình ở nhà mấy ông bạn ấy rồi ...Thì ra học trò của họ đã ra tay trước ...Ấy là chưa kể những tiếng tung hô chúc tụng vang rân trong nhà ngoài ngõ ...Dù gì thì cũng là ngày Tết của nhà giáo cơ mà ...Cái không khí vui tươi , phấn khởi ấy đã khiến tôi có phần vui lây . Tôi thầm nghĩ : " Kể cũng hay , ít nhất mỗi năm cũng có một ngày để cho mấy ông bạn mình được tha hồ  hít thở hương hoa chứ bình thường thì đố có ông bạn nào dám bỏ tiền túi ra mua hoa mà ngắm chơi ...Ông bạn nào có dạy thêm thì còn đỡ chứ nếu không thì phải nộp đủ lương cho bà xã để các bà  tính toán , cân đối mà " dĩ thực vi tiên " ...Nhiều người cho rằng chẳng cần phải bày vẽ ngày này ngày nọ làm gì nhưng tôi cho rằng trong nhịp sống xô bồ này , có những lúc mỗi người cũng nên có chút thời gian để lắng lòng nhìn lại mình , phương Tây có Ngày của mẹ , ngày của bố , ngày lễ Tình nhân ... thì phương ta cũng vậy miễn là đừng quá chú trọng đến những phần lễ mễ mà quên đi mục đích , ý nghĩa và vai trò của mình . 
Chính trong lúc tôi đang phân vân không biết có nên tiếp tục đi tìm những hình ảnh hoặc câu chúc ấn tượng về ngày nhà giáo để gởi đến các bạn tôi nhằm góp thêm cho họ một chút niềm vui thì cậu bé con tôi chạy vào : " Ba ơi ! Ba có thể cho con mượn đỡ một ít tiền được không ? " Tôi ngạc nhiên và thấy hơi buồn cười : " Mượn .? Ừ thì cũng được thôi ...Nhưng bao giờ thì con trả ? " Nó hơi lúng túng : " Thì ...mai mốt ba trừ tiền ăn sáng của con  cũng được ..."  Tôi gật đầu , móc túi và tế nhị không hỏi lý do vì tôi biết nó không hề hoang phí ...Sở dĩ ngân sách nó có phần eo hẹp là vì sự chi viện của tôi luôn ở mức độ vừa đủ cho những nhu cầu cơ bản ...Điều này thì cũng không thể trách tôi được bởi vì trong gia đình tôi hiện  giữ chức vụ " tay hòm chìa khóa " nếu tôi không " giữ tay thước " thì không khéo cái nghiệp vụ " nội trợ " sẽ trở thành " nợ trội " ngay . 
Sau khi nhét tiền vào túi , nó vội vã thu dọn máy tính và mấy xấp giáo trình bỏ vào cặp rồi nói : " Chiều nay phải học 5 tiết nhưng bây giờ con phải đi với vài đứa bạn mua hoa lên viếng mộ cô Q . nên chắc sau khi thăm mộ cô con sẽ ghé trường luôn chứ không về ăn trưa kịp ...Ba đừng chờ . "  Vừa dứt lời là nó mang cặp lên vai đẩy cửa bước ra , tôi chỉ kịp nhắc vói theo : " Ừ được rồi , nhưng chẳng có gì phải vội vã , cứ thong thả thôi con , bây giờ còn sớm chán ...mới 9 giờ thôi ..." 
Còn lại một mình , tôi xếp lại mấy món đồ vừa mới mua ở chợ về , rà soát lại mọi thứ để chuẩn bị bữa trưa cho gọn hơn vì chỉ còn lại vợ chồng tôi và cháu bé giữa .Vừa làm việc tôi vừa ngẫm nghĩ ...Quả thật mấy hôm nay nghe mấy chị em bàn bạc nhau về chuyện đi thăm thầy cô giáo cũ tôi nghĩ rằng chúng chỉ đi thăm mấy thầy cô hồi cấp 3 vì đó là những thầy cô dạy chúng những năm gần đây nhất , vả lại tất cả thầy cô ấy đều ở quanh khu vực thành phố , nhiều người hiện còn đang dạy ...Thông báo mới nhất của nó khiến tôi rất ngạc nhiên và sau đó là một nỗi xúc động thực sự ...
Bảy năm đã trôi qua kể từ ngày Q. mất vì căn bệnh ung thư xương quái ác ... Thời gian không dài lắm nhưng cũng đủ để  con tôi từ một cậu bé loắt choắt lớp 9 trở thành một thanh niên chững chạc ...Chỉ còn hơn một năm nữa là nó sẽ hoàn thành chương trình học 5 năm đại học ...Ước mơ duy nhất của tôi là nó sẽ có một công việc nào đó phù hợp với khả năng để tự nuôi sống bản thân nó trước khi vợ chồng tôi chính thức " về vườn " thế nhưng sâu rất sâu trong tận đáy lòng tôi vẫn còn một niềm mong mõi khác nữa : Đó là chúng phải còn gìn giữ được tâm hồn và lương tri trước những phong ba cuộc sống ...Giờ đây các con tôi cũng đã từng bước trưởng thành nhưng có lẽ niềm vui thực sự của tôi không phải chỉ ở những thành tích học tập hay trong việc làm bởi vì điều đó còn lệ thuộc nhiều yếu tố và thường thì có thể thay đổi được ...Điều khiến tôi vui mừng là vì tôi biết rằng chúng còn biết thương yêu , quí trọng những giá trị thực của cuộc đời này ...Ký ức tôi chợt quay về với câu chuyện của bảy năm về trước , từng cảnh nhỏ đan xen vào nhau nhưng có lẽ cái cảnh ngắn này đã xoáy sâu vào tâm tư tôi nhất : 
-- " Ba ơi ! Con thấy thương cô quá , con nhớ hôm cô mới làm nhà xong cô đãi tụi con bánh kẹo ...Con nghe cô nói với chồng cô rằng : " Em cảm thấy tự hào và mãn nguyện vì cuối cùng vợ chồng mình cũng thực hiện được mơ ước lớn của đời mình là có một mái nhà ...Nỗ lực làm việc và tiết kiệm của mình cũng không uổng phí anh nhỉ ! " 
  Vậy mà ..."
Tôi ôm con vỗ về nhưng chính lòng mình lại dậy lên một nỗi xót xa khó hiểu ...Nếu có Thượng đế , tại sao Ngài lại cho phép những việc này xảy ra ...Tôi đã nghe người ta nói các bệnh nhân ung thư thường trải qua những giờ phút cực kỳ đau đớn ...Nhất là bệnh ung thư xương ...
Đứa em ruột Q. kể lại trong nước mắt : " Tội nghiệp chị ấy , mấy ngày cuối bác sỉ chích mỗi ngày hai mũi cực mạnh  nên chị ấy có vẻ bớt đau ....nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi ...Nhà mới làm xong chưa đầy hai tháng ...Con bé đầu mới đậu lớp 10 chớ mấy ...Từ lúc phát hiện bệnh đến lúc chị ấy mất cũng chưa đầy hai tháng ...Mấy đứa cháu em từ nay mồ côi mẹ rồi ..." .
Tôi rùng mình ...Tôi không bi quan đến nỗi nhìn nơi đâu cũng thấy toàn cảnh khổ ...Nhưng quả thực tôi đã phải chứng kiến một khổ cảnh của trần gian này và cảm thấy mình vô cùng bất lực . Mỗi cuộc chia tay  đều có nỗi đau riêng  nhất là những cuộc chia ly vĩnh viễn ...Trăng bên ngoài vẫn sáng nhưng trong lòng chúng tôi là bóng tối ...." Chúa đã bỏ loài người , Phật đã bỏ loài người ..." Và Q, cô ấy cũng rời bỏ tất cả chúng tôi . ..

Bảy năm ? Đứa bé thuở ấy nay đã lớn lên rất nhiều về thể chất , đã hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống , đã trưởng thành hơn về mặt nhận thức nhưng cái tình cảm kính yêu cô giáo cũ  vẫn còn nguyên vẹn như thuở nào ...Có thể nó sâu lắng hơn , đằm thắm hơn , kín đáo hơn ...nhưng nó đã không hư mất , không bị bào mòn với thời gian . Tối nay các con tôi lại đi thăm những thầy cô giáo khác , chúng cũng sẽ mang hoa đến tặng thầy cô nhưng đối với tôi những đóa hoa chúng mang đến nghĩa trang để viếng mộ cô Q. sáng nay mới chính là những đóa hoa đẹp nhất ...Đó là những đóa hoa rực rỡ được kết tinh từ tình thương yêu , khổ đau và nước mắt ... Và dường như cũng chính từ những đóa hoa ấy đã làm nở ra trong tâm hồn tôi một đóa hoa kỳ diệu khác ...Tôi chợt cảm thấy mình hạnh phúc , dù là một hạnh phúc  có xen lẫn mùi vị  đau thương ....Xin cám ơn ngày nhà giáo 20 tháng 11 . Xin cám ơn cô Q.  Hy vọng rằng ở một cõi xa xôi nào đó cô cũng vui vì những đứa học trò bé bỏng của cô vẫn không hề quên cô .

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

MỘT CHÚT SUY TƯ ...

Tiểu dẫn : Tôi vốn thích viết chơi để giải trí nhiều hơn viết thiệt , thế nhưng tối nay ngồi nói chuyện phiếm với " nhà tôi " về chuyện mấy đứa con đang chuẩn bị đi thăm thầy cô giáo cũ ngày mai ...tôi chợt nghĩ thầm và ao ước như sau : 

Giáo dục ? Chỉ có hai từ ngắn ngủi nhưng dường như tự thân hai từ này đã gợi cho người nghe về một khái niệm có vẻ rất nặng nề . Tại sao như vậy ? Đó là một câu hỏi mà chắc chắn mỗi người chúng ta đều ý thức  hoặc mường tượng hình dung được dù rằng không phải ai cũng có thể giải thích hoặc trình bày rõ ràng ...Thực ra câu trả lời có lẽ cũng vô cùng đơn giản ...Điều này phát xuất từ suy nghĩ truyền thống : giáo dục là một việc làm mang tính áp đặt , nó vừa là sự truyền đạt kiến thức của thế hệ người lớn đến các thế hệ trẻ hơn , vừa có tính răn đe , ép buộc ...vì thế tại nhiều nơi , nhiều thời kỳ ...công tác này còn được hỗ trợ bởi các hình thức kỷ luật khắt khe với rất nhiều hình phạt kể cả roi vọt . Lẽ dĩ nhiên việc giáo dục sẽ không được tiến hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả nếu không có một phương thức tổ chức hợp lý ...nhưng kỷ luật trong giáo dục chỉ là phương tiện để hỗ trợ việc giáo dục chứ không phải là bản chất của việc giáo dục ...
Theo một số tài liệu của các nhà nghiên cứu thì mãi đến khoảng 4000 năm trước Công nguyên người ta mới tìm thấy dấu hiệu của nền văn minh và những hệ thống giáo dục thực sự ...nghĩa là khi vấn đề giáo dục đã được tổ chức một cách có ý thức . Suốt trong quá trình đó nhiều hình thức giáo dục đã được áp dụng , nhiều khó khăn trở ngại đã xuất hiện và tồn tại cho đến khi một số nước tiên tiến trên thế giới nhận thức được rằng mục tiêu tối hậu của công tác giáo dục phải là việc nâng cao nhận thức cho những thế hệ kế thừa chứ không phải là việc tạo ra những bản sao lem luốc của thế hệ trước đó . Mọi sự nhồi nhét kiến thức đều không có ích lợi gì cho sự tiến bộ và văn minh của nhân loại mà chính việc tư duy sáng tạo mới là chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai , khởi động và vận hành tốt đẹp cho cái cố gắng đem lại sự no ấm , thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại .  Không phải ngẫu nhiên mà hầu như mọi đứa trẻ không phân biệt màu da , đất nước , vùng miền hay tôn giáo ... đến một độ tuổi nhất định nào đó đều phải cắp sách đến trường . Sự cần thiết phải được học tập đã gần như trở thành một bản năng thứ hai của mỗi con người trong xã hội ....Thế nhưng  cái nhu cầu  căn bản của mọi thời đại ấy có thể sẽ chẳng đem lại điều gì nếu  đứa trẻ chỉ tầm chương trích cú  hoặc vùi đầu vào những trang giấy chi chít những chữ rồi cố gắng sao chép vào bộ nhớ nhỏ bé của mình ... Chính vì tính chất tối quan trọng của việc học tập như vậy nên vai trò của công tác giáo dục ngày càng trở nên nặng nề hơn và cần phải hoàn thiện hơn . 
Trong suốt tiến trình của nền văn minh nhân loại , giáo dục có vai trò quyết định vận mệnh của nhiều dân tộc , nhiều đất nước ...Sự hưng thịnh của mỗi quốc gia dường như gắn liền với chất lượng của nền giáo dục của quốc gia ấy bởi vì ngay đến những cấp lãnh đạo cao nhất cũng đều phải thông qua trường lớp để bồi dưỡng khả năng , kiến thức ...Phần lớn họ phải được chuẩn bị và được đào tạo kỹ lưỡng để có thể giải quyết nhiều trọng trách do xã hội giao phó ...Điều này cũng bao hàm ý nghĩa rằng công tác giáo dục luôn phải được cập nhật và phải luôn phù hợp với hoàn cảnh xã hội và thời đại để có thể kịp thời cung cấp cho xã hội những nhân tài trong mọi lĩnh vực ...Thế nhưng trên thực tế hiện nay dường như chỉ có một số ít hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới làm được điều này ...
Nhìn vào thực trạng nền giáo dục ở nước ta trong nhiều năm qua chúng ta có thể  thấy rằng có quá nhiều vấn đề phải suy nghĩ , phải bàn bạc để tìm ra một hướng đi đúng đắn ... Trong một bài viết có tiêu đề " Mười phát ngôn về giáo dục ấn tượng nhất năm 2012 " đăng ngày 11 tháng 12 năm 2012 của trang mạng : Kênh tuyển sinh .vn /giáo dục với những phát biểu của nhiều vị lãnh đạo và nhà giáo có uy tín . Điều này nói lên rằng việc đổi mới trong giáo dục chính là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay thế nhưng đổi mới những gì và đổi mới như thế nào mới chính là vấn đề . Trong phạm vi bài viết nhỏ này , người viết cho rằng chỉ có 4 vấn đề then chốt cần phải tiến hành đồng thời  thì sẽ có thể góp phần vào việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục nước nhà : 
+ Về mặt  tư duy , các lãnh đạo và cán bộ giáo dục  phải mạnh dạn thay đổi cách nhìn cách nghĩ  đã thành nếp của nền giáo dục truyền thống để tiếp thu sáng kiến , nâng cao nhận thức phù hợp với xu thế chung của thời đại .
+ Về phương thức giáo dục : 
-- Tuyển chọn một đội ngũ giáo viên cán bộ đủ phẩm chất và năng lực , trang bị đủ kiến thức và tạo điều kiện hợp lý để họ có thể chuyên tâm vào công tác giảng dạy : Điều này nên được thể hiện bằng chính sách lương bổng ổn định và đầy đủ để giải quyết cuộc sống , quy định rõ mức đãi ngộ của từng vùng miền một cách hợp lý  nhằm ngăn chận , hạn chế và kiểm soát được các hiện tượng tiêu cực .
-- Cần xác định lại vai trò , trách nhiệm của người thầy , mối tương quan giữa thầy và trò để xây dựng lại mối quan hệ đúng đắn và hợp lý .
-- Tổ chức lại cách học hành , thi cử phù hợp với thực tế cuộc sống và hoàn cảnh xã hội , nhất là với tốc độ phát triển liên tục của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin .
+ Về sách giáo khoa : nên nghiên cứu sâu hơn các đặc điểm tâm sinh lý và đặc điểm của thời đại để soạn lại một bộ sách giáo khoa phù hợp với từng lớp ,từng độ tuổi , mạnh dạn cắt bỏ những phần thừa thãi , lỗi thời và đưa vào những kiến thức thực sự bổ ích đối với cuộc sống ...Cần chú trọng thực hành nhiều hơn lý thuyết , giới thiệu các phương pháp nhiều hơn để người học có sự so sánh , chọn lựa  đông thời gợi ý suy nghĩ , phân tích , sáng tác nhiều hơn học thuộc lòng ...
 + Về các cơ sở giáo dục và các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước : Nên rà soát và chọn lọc đánh giá đúng khả năng thực sự của từng cơ sở , từng chương trình ...tránh việc đầu tư và quảng cáo tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng dễ tạo ra kẽ hở cho những cơ sở giáo dục không minh bạch lợi dụng để trục lợi .
Chắc chắn rằng những suy nghĩ trên đây  chẳng có gì mới mẻ đối với mọi người không những thế nhiều mặt cũng đã được tiến hành từ nhiều năm qua thế nhưng kết quả thu đạt được chẳng có là bao so với yêu cầu cấp bách của xã hội của đất nước .
Một năm học nữa sắp bắt đầu với không ít băn khoăn của những người làm công tác giáo dục ...Nhưng có lẽ không phải chỉ là mối băn khoăn của những  người thầy hay của những cán bộ giáo dục mà còn là của rất nhiều người , trong số đó có cả những cha mẹ học sinh ...Hy vọng rằng những trăn trở suy tư ấy sẽ giúp chúng ta có đủ dũng khí nhìn vào thực tế mà vạch ra một phương hướng mới áp dụng cho niên khoá mới để việc  dạy và học ngày càng có kết quả tốt hơn . Chúng ta không sợ muộn bởi vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của muôn đời . Nói như Quản Trọng nước Tề thời Xuân Thu :

   "Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc
    Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
    Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn ..."
Chúng ta hãy vì cái " chung thân chi kế " ấy mà phóng tầm nhìn xa hơn về phía tương lại để chọn một kế sách giáo dục có giá trị lâu dài và bền vững . Đó chính là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với các thế hệ kế thừa .
   

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

CÓ KẾ HOẠCH ( Truyện ngắn trích từ Tuyển tập TÌNH của thầy TÔN THẤT LAN )


                                                         
                                                                       
                                                                           
                                                    
Chiếc mái cong và chiếc băng dài của trạm xe buýt là chỗ ở của gia đình chị Tư Rưỡi . Cái tên được đặt cho chị cách đây 6 tháng khi chị có 4 con và cái thai trong bụng . Tổ ấm - hay tổ lạnh thì đúng hơn , nhất là vào mùa mưa gió này - gồm khoảng năm đứa con nhỏ từ tám tuổi đến mười tháng tuổi . Nói là khoảng vì chúng tới lui , vô ra thất thường , khi thấy đứa này , khi mất đứa kia . Bà chủ hộ có cái tên đặc biệt như thế vì chị ta gần như luôn luôn sắp sản xuất ra một lao động chính cho gia đình , lúc nào cũng sẵn sàng với cái rưỡi trong bụng . Người đàn ông của gia đình này thì hiện nay vắng mặt , không rõ nơi đâu . 
Đến nay đứa nhỏ nhất chừng vài tháng tuổi đang nằm trên một chiếc chiếu trải trên lề , dưới bóng êm của mái vòm , đang được chị nó - khoảng bốn , năm tuổi -- cầm bình cho bú . Một bé , có lẽ là gái , khoảng hai tuổi đang nằm lăn qua lại trên băng , tự nhiên như " ở nhà ' mình .Một đứa khác - cũng là gái nốt -- ngồi cầm chiếc ca , hát nghêu ngao vô tư . Và cậu cả khoảng tám tuổi đang thám hiểm các khu lân cận , hết đảo mắt nhìn qua thùng rác công cộng lại nhìn ra lề đường thử xem có gì không - cái gì lượm được hay cất giữ được lâu dài để thỏa mãn tính tò mò tự nhiên của đứa trẻ mới lớn . Quây quần bởi đàn con ngoan đông đúc , chi Tư Rưỡi ngồi dựa lưng vào băng ghế --mãn nguyện . Đầu chị lơ đễnh gối lên hai tay xách du lịch -- cái " gia tài " của gia đình chịn . Khi nhìn thấy cảnh đề huề đầm ấm này , khó có ai trong số những người khách xe buýt lại nỡ lòng nghĩ đến chuyện xâm phạm cái không gian thiêng liêng của một tổ ấm -- một gia đình đã tự nó khẳng định tính đầy đủ và tất yếu .


                                                   +    +
                                                      +

Cách đó mấy bước , trên lề đường là một anh sửa xe honda lành nghề , từng trải chuyện đời . Phạm vi nào cũng được anh phê bình góp ý một cách thực tế , chính xác . 
Sau khi quan sát , tôi buột miệng : 
-- " Nheo nhóc , cực quá ! 
Anh sửa xe phản đối liền : 
--- Không dám đâu ! Còn lâu ông ạ ! Sướng hơn ông và tôi nhiều lắm đấy .
--?! .
-- Anh biết bà ta làm nghề gì không ? Thong thả lắm ! .
Không cần chờ tôi cho ý kiến , anh giải thích luôn : 
-- Ban ngày ngồi chơi . Tối đến thì hai cặp , con bốn tuổi bồng đứa mới sinh , thằng lên tám dắt con lên hai ...cộng thêm hai cái ca thôi , chả cần những thứ đồ nghề lỉnh kỉnh như của tôi . Cũng chả cần bao nhiêu giấy bút như thầy . Bảo đảm ngày nào cũng dư ăn !Ngon không ? 
Tôi yếu ớt tự bảo vệ mình  : 
-- E năm một ! Khổ quá ! Sao lại nhiều quá ? 
-- Không năm một sao được , phải năm một mới có mà bồng đi chứ ...
-- ?! 
-- Kế hoạch mà ! 
-- Đâu có đi học ? 
--- Học làm gì ! .
Trên đường về , sau khi xe đã sửa xong ( cứ mỗi tháng sửa một lần , vì xe tôi thuộc đời cũ nhất còn chạy được ) , tôi chợt nhìn cái túi xách đựng sách vở dạy học của mình mà nghĩ đến năm đứa trẻ không cần đi học . 
Tương lai của chúng sẽ về đâu , ra sao ? Xã hội sẽ đón nhận chúng như thế nào ? 
Người mẹ cứ ung dung tự tại để đàn con rất dại " làm lụng " để nuôi mình mà không nghĩ ngợi , thắc mắc gì cả . Tôi bất giác nhớ đến một câu thơ xưa  : Sách vở ích gì cho buổi ấy ...



CHƠI GIỮA VÔ THƯỜNG ...

Lâu lắm rồi không gặp ông bạn Ngô ánh Tuyết , tôi nhớ hình như lần gặp cuối là lúc chúng tôi cùng ở Nha Trang năm 1973 , 1974 gì đó ...Mãi đến gần đây mới biết Tuyết đang ở SG và vẫn tiếp tục nối nghiệp thân phụ với một cửa hàng sách báo , gạo lứt muối mè theo phương pháp dưỡng sinh Oshawa ...Tôi cũng đã có một thời gian thử dùng phương pháp này để điều trị bệnh nhưng không lâu một phần vì lúc ấy  tôi phải lao động nặng , một phần khác vì công việc nên phải di chuyển liên tục ...Một trong những bạn học lớp C hồi ấy thỉnh thoảng có gặp Tuyết gần đây là NĐHòa ...Sau đó nhờ Hòa và blog PCT tôi mới được nhìn thấy hình ảnh Tuyết bây giờ và còn được đọc vài bài thơ ngắn của bạn ấy . Thành thật mà nói thì trước đây tôi cũng không thân với Tuyết nhưng hình ảnh của bạn ấy lúc học ở PCT tôi vẫn còn nhớ rõ ... 
Mãi đến ngày hôm qua tình cờ mua được một quyển sách cũ của NXB Thuận Hóa năm 2004 thì cái ký ức của tôi về người bạn này mới sống động hẳn lên .Tập sách có  tựa đề tiếng Việt là CHƠI GIỮA VÔ THƯỜNG ...Tác giả OHSAWA do thân phụ của bạn Ngô Ánh Tuyết và Ngô ánh Tuyết lớp C cũ tuyển dịch .  Trang đầu là hình thủ bút của Bùi Giáng với mấy câu thơ như sau : 

Từ Từ Từ 
Đi về tái ngộ 
Oshawa 
Mưa nguồn
từ thuở
tuôn ra
từ đầu ...
Ký tên từ bấy 
nhiêu lâu 
Tên là không tuổi 
vui sầu 
tiếp nhau

Bùi Giáng (ký tên )

                                                     
 


Xin giới thiệu các bạn một tập sách của một trong những người bạn thuộc  CHS PCT 6471 ...Về người bạn Ngô ánh Tuyết thì tôi cho rằng mấy câu thơ của bạn NĐH dưới đây có lẽ cũng mô tả được phần nào  :

Tưởng là thật hóa ra chơi,
Trăm năm mộng mị rong chơi vô thường.
Ánh Tuyết gặp gỡ đời thường,
Luôn cười ha hả vô thường rong chơi...

Cảm hứng từ mấy câu thơ trên tôi cũng có viết mấy câu  chơi chữ cho vui :

Vô thường cũng muốn rong chơi ,
Nhưng còn mấy gánh nợ đời phải lo .
Mở hàng ...gà gáy ó o ...
Ngáp dài ngồi đợi ...khách vô ...thường ...thường .
Tối về dán chữ lên tường ,
Thì ra ...mình cũng vô thường ... rong chơi ...Hi hi ...

Ngoài tập sách này ra tôi còn mua được một tập truyện ngắn của thầy Tôn Thất Lan , tựa đề là " Tình " do NXB VHSG xuất bản năm 2008 ...Tiếc một điều là tập sách này đã bị rách  và nhàu nát mấy trang lót ở đầu sách ...Nội dung sách thì vẫn còn nguyên vẹn ...Đây là một ngạc nhiên thú vị đối với tôi vì hơn bốn mươi năm qua tôi  chưa hề gặp lại  thầy ...Khác với thầy Quân và một số thầy cô khác ,thời gian tôi học thầy cũng không nhiều ...do sự sắp xếp và thay đổi thời khóa biểu của nhà trường lúc ấy hay sao đó mà tôi chỉ được học nhạc và tiếng Anh của thầy mỗi môn có mấy tháng ...Chính vì thế tôi cứ đinh ninh rằng thầy chỉ viết nhạc và dạy tiếng Anh chứ không ngờ rằng thầy còn viết truyện nữa .
Chẳng còn mấy hôm nữa là đến ngày nhà giáo VN ...vì thế tôi muốn chọn đăng 2 truyện rất ngắn của thầy trong tuyển tập , vừa để giới thiệu đến các bạn tác phẩm của thầy, để các bạn có thể gặp lại những băn khoăn thao thức của một người thầy hiện đã vượt ngưỡng " cổ lai hy " ...vừa để tỏ lòng biết ơn thầy bởi vì dù sao đi nữa thì : " Một chữ cũng thầy , nửa chữ cũng thầy ..." phải không các bạn ?  

                                                 



Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

PHỐ MỚI ...


Đà nẵng hôm nay , nắng dịu dàng .
Đông rồi ...mà tưởng mới xuân sang .


Áo ai xanh quá như hồn phố .

Ngập tiếng cười reo : " Bão đã tan " 

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

THOÁT BÃO ...



Mừng thay ... cơn bão không vào ,


Yên tâm ...mà cũng thấy nao nao buồn .

Trăm năm một cuộc sinh tồn ,

Sóng thần , siêu bão vẫn còn nỗi lo .

Đời người : chuyện nhỏ , chuyện to ,
" Kẻ ăn không hết người mò không ra "

Chúng nhân trong cõi ta bà ,

Hữu thân hữu khổ ...thật là đáng thương

" Nhiễu điều phủ lấy giá gương 

Người trong " trái đất  " hãy thương nhau cùng ...." .




( Dù  đã thoát khỏi cơn bão Haiyan  nhưng những hình ảnh tại Philippines có thể sẽ  vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người  , trong đó có tôi ...Con người chúng ta có thể làm được gì trước sự tàn phá khủng khiếp của một thàm họa thiên nhiên không lường trước được ...Những cố gắng chống chọi trong tuyệt vọng  của những nạn nhân trong cơn bão dữ liệu có gợi lên được điều gì trong đầu óc những người đang nắm giữ quyền lực trên thế giới con người ...Đừng để cuộc đời này   vẫn chỉ là : Homo  homini  lupus ... )




 

  


Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

THƯ GỬI TRỜI 2 về bão HAIYAN





Lại chèn , lại chống , lại lo ,
Trời ơi ! ông nhớ ... đừng cho bão vào .
Dân nghèo có tội gì đâu ,
Quanh năm lem luốc , dãi dầu ...kiếm ăn .
Bao lần lão bão hung hăng ,
Giật tung mái lá , cuốn phăng cột kèo .
Siêng năng nhưng vẫn đói nghèo ,
Gia tài là hủ mắm treo đầu giàn .
Ngọn bầu , ngọn bí , rau lang ,
Khoai khô , sắn lát ... sẵn sàng thay cơm .
Bền lòng ... đói sạch rách thơm ,
Phên thưa : cũng ấm , gối rơm : cũng mềm .
Chỉ cầu trời lặng , gió êm ,
Đủ ăn , đủ mặc có thèm chi mô .
Tâm thành ... ngài hãy giúp cho ,
Bão tan giữa biển , không vô đất liền ....

Nguồn : VN Review .

Bão Haiyan có thể là một cơn bão lớn nhất hành tinh



Hình dưới : Những hình ảnh đầu tiên của cơn bão tại Philippines .

                                                                         

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

CHUYỆN PHIẾM VỀ MỘT CÂU THƠ

                                                 


Mấy hôm nay báo chí chỉ viết toàn những chuyện "  nội thương ngoại cảm " nên tôi lười đọc . Thực tình thì tôi cũng rất thông cảm với họ vì cái nghề viết báo cứ có chữ là có tiền , chữ nhiều thì tiền dày , chữ ít thì tiền mỏng ...Đó là quy luật cuộc sống ...Ngay đến sách của tôi sưu tầm mà vẫn có nhiều người tính giá trị bằng trọng lượng chứ không bằng nội dung và nhu cầu huống hồ là báo ...Hình như mỗi lần cầm đến tờ báo nào là tôi chỉ đọc lướt qua hàng tít rồi dừng lại ở mấy bản tin báo bão ...Mặc dù gia đình tôi và hầu hết bà con đều đã được " tai qua nạn khỏi " sau cơn bão Nari nhưng cái quang cảnh tiêu điều của thành phố hôm bão đổ bộ và cái hậu quả nó để lại cho nhiều người dân ở Quảng Nam , Quảng Bình , Thừa Thiên ...cũng khiến tôi như bị ám ảnh ...Mới ngày hôm qua , hôm kia tôi lại lên ruột với hành trình của bão Krosa ...cũng may cuối cùng bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ...Dường như nỗi lo về thiên tai bão lụt chẳng bao giờ chịu rời khỏi tâm trí của người dân miền Trung , nhât là nông dân và dân nghèo ...Nhà cửa thì còn có thể che , chắn , chần , chống hoặc nếu có điều kiện thì còn nâng tầng đắp nền chứ ruộng vườn thì chịu  , đành phó mặc cho trời đất ...Thế nhưng trời đất dường như rất  vô tình hoặc là quá chí công vô tư cho nên thỉnh thoảng lại xảy ra những thảm họa từ trên trời rơi xuống ở nơi nọ hoặc nơi kia và nạn nhân vẫn thường là những kẻ khố rách áo ôm ...Công bằng mà nói thì cũng không thể đổ lỗi cho trời đất bởi vì suốt hàng ngàn năm qua , con người vốn đã mất quá nhiều thì giờ và xương máu cho những chuyện chiến tranh hoặc những chuyện tào lao vô bổ ...cãi nhau , giết nhau vì từng tấc đất hoặc vì những chuyện xa lắc ở trên trời chứ đâu có chịu tập trung suy nghĩ để tìm ra những giải pháp mà chung sống hạnh phúc và đối phó thiên tai ...Không thể trách trời bởi vì : " Gió mưa là chuyện của trời " nghĩa là bao gồm cả những chuyện  bão táp , hạn hán , lụt lội , động đất , sóng thần ....Mà thôi ...cũng chẳng nên trách ai cả ...chính vì cái hâm hâm , năm nóng năm lạnh của đất trời mà biết bao nhiêu người được hưởng lợi khi mày mò nghiên cứu , chế tạo quạt máy , tủ lạnh , điều hòa ...biết đâu chừng đôi ba ngàn năm nữa các nhà khoa học đời sau sẽ chế tạo được những cỗ máy hút gió , hút bão ...hoặc thiết kế  những đám ruộng nổi , vườn nổi chẳng sợ gì lụt lội ...Nghĩ đến viễn cảnh này tôi bổng cao hứng ngâm nga : " Nhắp chén trà thơm hát ử ư ....Trời mưa đất chịu biết răng chừ ..." và cảm thấy thật vô cùng sảng khoái ...Nhưng đáng tiếc là giây phút tự sướng của tôi chẳng kéo dài được lâu bởi vì ngay lúc ấy có tiếng gõ cửa ..."  Sướng hỉ ! Răng giờ chừ chưa lên quầy mà còn ngồi ngâm thơ vịnh cảnh ...Còn nhà cửa răng để tối thui ri ? " 
Tôi trả lời , giọng đùa bỡn  : " Cúp điện hồi sáng tới chừ ...thắp đèn cầy ngồi uống trà để nhớ lại  thuở hồng hoang ...lúc loài người chưa phát minh ra lửa và ...chờ ông bạn ..."  rồi đưa tay  đẩy mạnh cửa ...D. vừa bước vào vừa cười hắc hắc , giọng cười thật không thể lẫn lộn với ai được . D. nói khi kéo ghế ngồi : " Tau đi làm cái sổ đỏ để mai mốt xin giấy phép làm nhà ...Không thể trì hoãn được nữa , cơn bão Nari vừa rồi khiến tau thót tim ...Nằm trong nhà mà cứ nghe mái tôn nó nâng lên hạ xuống như thủy triều ...Cũng may là tau đã chần mấy chục bao cát rồi chứ nếu không thì ..." Tôi đồng tình : " Ừ , chỉ cần nó tốc một tấm là gió lồng vào 
cuốn sạch , không có gì giữ nổi , chỗ mi ở trống gió quá mà . "  
---" Bởi vậy tau mới lo ...nhưng thôi , nói chuyện bão với mưa  hoài chán quá ...Nói như mi cũng đúng thiệt ..." Trời mưa đất chịu , biết răng chừ ? " Răng tau thấy khoái mấy câu thơ đơn giản , mộc mạc mà đậm chất Quảng Nam của mi ghê ...Nó gần với ca dao mà lại không phải là ca dao ...Thơ của mi có  bài thì rất bóng bẩy nhưng có  nhiều bài rất giản dị , dễ hiểu ...giống như nói chuyện nhưng lại thú vị hơn nói chuyện ..."
Tôi cười : " Nè , tau hỏi thiệt mi định mượn bao nhiêu ? Tau nói trước nếu đôi ba trăm thì tau lo được chứ tiền triệu thì tau xin thua ..." 
D. cũng cười : " Không có đâu , nếu có mượn tiền thì tau cũng tới mấy chỗ " đại gia " chứ mắc mớ chi tới mấy  chỗ " thi gia "  Tau nói thật lòng đó , từ lâu tau cũng có suy nghĩ rằng tiếng Việt của mình rất phong phú nhưng phần lớn các nhà văn nhà thơ hoặc cả đến nghệ thuật sân khấu chỉ thích dùng những từ ngữ phổ biến ... ngay cả khi viết về những địa phương ...cũng có những trường hợp người ta đưa vào văn chương hay các nghệ thuật khác nhưng đa phần chỉ là  diễu cợt hoặc hài hước để chọc cười ...Điều đó khiến cho độc giả hay nói chính xác hơn là những người thưởng thức vô tình có một cách nghĩ hơi lệch ...Đồng ý rằng nhiều người dân quê đất Quảng mình có cách phát âm không được chuẩn nếu so với dân 
thành phố ...nhưng có những từ ngữ đặc biệt nói lên bản sắc của vùng miền mà chỉ cần điều chỉnh cách phát âm một tí thì sẽ thấy rất hay ...Thí dụ như câu thơ của mi : " Trời mưa đất chịu , biết răng chừ ? " Tau đọc đi đọc lại càng thấy thấm...Có lúc tau thử đổi lại : " biết sao giờ ? " hoặc " tính sao đây ? " thì tau thấy nó lạt lẽo vô cùng . Bởi vậy  tau cho rằng làm thơ không chỉ là việc sắp chữ cho đúng và rõ nghĩa theo một số công thức hoặc quy luật  mà người làm thơ còn phải truyền tải được cái hồn của chữ ...Ngôn ngữ 
thơ  càng giản dị càng tốt nhưng không được thiếu nhạc tính và nhất là phải hàm súc ...." 
Tôi cảm thấy cần phải hãm bớt  tốc độ của bài giảng Việt văn mà ông bạn nhà giáo của tôi  có lẽ trong lúc cao hứng đã  tưởng lầm rằng tôi là một trong những học sinh ở lớp học thêm của ông ấy :.
-- " Dạ thưa thầy , em hiểu ...Nhưng em chỉ làm thơ để chơi thôi ...Thầy thương thì em nhờ thầy lơ thì em cũng chịu ..."
D. giật mình   nhưng hình như sau đó chợt trấn tĩnh : " Thôi được rồi , không nói chuyện ấy nữa ...Nhưng mi có đồng ý với tau rằng những từ địa phương ở miền Trung mình như : Chừ , mô , tê ,răng , rứa , ni , nớ ....tuy  ít được dùng trong văn chương đại chúng nhưng nó vẫn có nét đẹp và cái hay riêng ...Hồi xưa ở xa nhà , mỗi lần tình cờ nghe ai đó dùng những từ này nói chuyện với người khác là tự nhiên thấy có thiện cảm  ...Có lẽ cũng giống như những người Việt ở bên Tây tình cờ nghe người đi bên cạnh mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt ...Đó là một cảm giác rất dễ chịu ...và  cũng rất dễ thương ..."